CôngThương - Tháng 10/2011 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường ước đạt 550 nghìn tấn, tương đương với 300 triệu USD, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2011 đạt 6,5 triệu tấn, tương đương với 3,3 tỷ USD, tăng 11,6% về lượng và 20,3% về giá trị. Thông tin từ VFA cho thấy, số lượng gạo theo hợp đồng đăng ký còn lại giao hàng từ tháng 11/2011 trở đi là 0,657 triệu tấn (trong đó, hợp đồng tập trung là 0,432 triệu tấn và hợp đồng thương mại là 0,225 triệu tấn).
Đến hết tháng 10/2011, lượng gạo hàng hóa tồn kho của các doanh nghiệp hội viên tính đến ngày 31/10/2011 là trên 1,2 triệu tấn. Ông Phạm Văn Bảy- Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam- cho biết: XK gạo năm 2011 có thể đạt 7 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3,5 tỷ USD. Những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, thị trường gạo XK của Việt Nam rất lạc quan bởi đã ký được các hợp đồng lớn với giá tốt và thị trường ổn định, ngay trong quý 1/2012 doanh nghiệp đã có hợp đồng bán 100.000 tấn gạo sang Malaysia. VFA dự kiến có thể ký được 600- 800 ngàn tấn gạo cho xuất khẩu những tháng đầu năm 2012 và cả năm tới có thể xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn gạo.
Để hoạt động xuất khẩu gạo ổn định và phát triển bền vững, bên lề Festival lúa gạo Sóc Trăng 2011, ông Nguyễn Trung Hiếu- Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng- nhấn mạnh: Cần có hệ thống bao tiêu chuyên nghiệp trong thu mua, chế biến và XK gạo. Nghịch lý trúng mùa rớt giá luôn xảy ra nhưng năm nay là ngoại lệ khi người dân được cả mùa và giá. Để phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo thì cần có bao tiêu chuyên nghiệp, đây là vấn đề mà người nông dân rất mong muốn. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng được cánh đồng lúa chất lượng cao, sản xuất lúa phải đảm bảo từ giống, quá trình đến thu mua bao tiêu sản phẩm theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Đặc biệt là cần có nơi tiêu thụ ổn định và đảm bảo có lãi cho người nông dân. Có như vậy, với bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhưng người dân vẫn có niềm tin với cây lúa, dù diện tích đất mất đi nhưng vẫn đảm bảo sản lượng. Sóc Trăng là một tỉnh sản xuất lúa hàng hóa lớn, đạt trên 2 triệu tấn của năm 2011, đứng thứ 4-5 toàn quốc, trong đó có trên 1 triệu tấn lúa hàng hóa đảm bảo cho an ninh lương thực và góp phần vào xuất khẩu. Nghị quyết của tỉnh đề ra là sản xuất lúa gạo chất lượng cao đạt 20%, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao chuỗi giá trị hạt lúa hạt gạo.
Việt Nam đang có lợi thế là các thị trường truyền thống, giá bán cao, cần phát huy lợi thế này. Tuy nhiên, ông Bảy cũng khuyến cáo, các DN cần phải tỉnh táo phân tích thị trường, không nên quá vội vã bán ra và đặc biệt cần phải đảm bảo 100% lượng hàng tồn kho trước khi ký hợp đồng. Phân tích thị trường, ông Bảy nhận xét: Lợi thế từ quyết định của Chính phủ cũng như hoàn cảnh của Thái lan hiện nay là có đối với các DN XK gạo của Việt Nam nhưng không phải là tất cả, chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào chính sách của họ. Thực tế là cơ hội này mới đang ở lý thuyết, bởi chính sách của Thái lan đưa ra là để mua gạo cất vào kho chứ chưa bán ngay ra thị trường Thời điểm này giá gạo được Thái lan bán ra cũng không quá cao, chỉ khoảng 580-585 USD/tấn. Phải thừa nhận đây là một tín hiệu tốt cho các quốc gia XK gạo, đặc biệt là Việt Nam, tuy nhiên cũng cần theo dõi thêm diễn biến thị trường thế giới nói chung và các động thái của Thái lan nói riêng.
Một điều mà các doanh nghiệp XK gạo Việt Nam cần lưu ý, đấy là việc bị cạnh tranh bởi lúa gạo Ấn độ. Việt Nam đang bị cạnh tranh nhiều ở thị trường châu Phi, vì sản lượng gạo của Ấn độ xuất sang thị trường này khoảng 2 triệu tấn, hiện đang chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, Ấn độ cũng không bán ồ ạt vì còn phải đảm bảo an ninh lương thực và kế hoạch của quốc gia, nếu họ bán ra nhiều thì chắc chắn cả VN và nhiều quốc gia xuất khẩu gạo khác sẽ bị ảnh hưởng.
Được biết, giá lúa loại 1 hiện nay vào khoảng 7.200- 7.300 đồng/kg và loại 2 là 7.100- 7.200 đồng/kg. Dự báo, giá lúa sẽ ổn định đến cuối vụ do nhu cầu giống tăng và dự trữ gối đầu cho quý I năm 2012.