CôngThương - Tỷ lệ tiết kiệm trung bình kể từ tháng 6 năm 2009 tới nay đã đạt mức 4,8%, tăng hơn gấp đôi so với mức 2,2% của ba năm trước khủng hoảng. Đồng thời, theo nhận định của Ellen Zentner, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Nomura Securities International Inc. New York, các hộ gia đình sẽ còn tiếp tục xu hướng này trong một vài năm tới. “Đây không phải là xu hướng thường thấy theo sau một cuộc khủng hoảng tài chính,” ông cho biết thêm.
Sự cần thiết phải tăng lượng dự trư tiền mặt và trả các khoản nợ có thể lấn át ước muốn là người đầu tiên sở hữu chiếc xe hơi đời mới nhất. Gần như trong suốt 3 năm kinh tế phục hồi, thậm chí một nửa trong số 8,8 triệu việc làm bị mất đi tương đương với 16,4 triệu USD thu nhập của các hộ gia đình vẫn chưa khôi phục trở lại. Điều này có nghĩa người tiêu dùng sẽ còn muốn cắt giảm chi tiêu hơn nữa.
Guy LeBas, chuyên gia đến từ Janney Montgomery Scott LLC tại Philadelphia cho rằng tỷ lệ tiết kiệm khoảng 5% sẽ giúp người tiêu dùng có thể chuẩn bị cho các khoản phát sinh trong dài hạn và cũng sẽ trợ giúp cho nền kinh tế trong ngắn hạn.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, nhu cầu bị dồn nén đối với xe hơi đã giúp chi tiêu dùng tăng 0,8% trong tháng 2, mức tăng mạnh nhất trong 7 tháng. Doanh số bán lẻ tháng 3 cũng tăng lên 0,8% với sức mua tăng mạnh ở các mặt hàng đồ nội thất, quần áo và đồ điện tử. Điều này khiến giá cổ phiếu tăng cao. General Electric Co. (GE), Microsoft Corp. (MSFT) và Schlumberger Ltd. Báo cáo đạt lợi nhuận vượt mong đợi. Ngoài ra, giá cổ phiếu cũng tăng bởi một số thông tin tích cực khác. Chỉ số niềm tin kinh doanh ở Đức đã đột ngột tăng lên trong tháng 4, tháng tăng thứ 6 liên tiếp.
Chi tiêu dùng tăng lên trong tháng 2 đã đẩy tỷ lệ tiết kiệm của tháng này xuống 3,7%, mức thấp nhất trong 2 năm. Tuy nhiên, theo ông Lebas, sự hoang phí sẽ bị chặn lại bởi thị trường việc làm lúc tăng lúc giảm thúc đẩy người Mỹ tiết kiệm nhiều hơn.
Andrew Hedberg, 38 tuổi và hiện đang sinh sống ở Minneapolis đã không có việc làm một năm nay. Anh cho biết đã phải dùng đến số tiền tiết kiệm và ngày càng tin rằng tiết kiệm là khoản đầu tư tốt nhất, giống như một khoản chi trả bảo hiểm tự mình tạo ra.
Trước xu hướng này, Fed đang cố gắng hỗ trợ kích cầu tiêu dùng bằng cách giảm đi ước muốn tiết kiệm của người dân với việc giữ lãi suất ở mức thấp. Ngân hàng trung ương đã có thực hiện các chính sách hiệu quả hơn mọi người nghĩ trong việc thực sự thuyết phục được người tiêu dùng chi tiêu hơn là tiết kiệm từ đó hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế ngắn hạn.
Thêm vào đó, trong khi những thế hệ đầu tiên đóng góp vào quỹ hưu trí IRA và quỹ 401(k) được tính vào tỷ lệ tiết kiệm nhưng thặng dư vốn từ các nguồn này không được tính. Điều đó có nghĩa tỷ lệ sẽ giảm xuống trong thập kỷ tới khi mà thế hệ baby boom (những người sinh ra từ năm 1946 đến năm 1964) sẽ nghỉ hưu và bắt đầu dùng đến những khoản này.