Kido đang cho thấy tham vọng lớn trên thị trường dầu ăn |
Hội đồng quản trị Tập đoàn Kido (Mã CK: KDC) cho biết việc thay đổi giá là để đảm bảo thành công của đợt chào mua công khai cổ phiếu TAC của Công ty Dầu thực vật Tường An. Việc tăng giá này cũng áp dụng cho các cổ đông đã chấp nhận bán cổ phiếu TAC cho Kido.
Thời gian thực hiện cũng được Kido tăng từ 45 lên 60 ngày, dự kiến sẽ kết thúc tại ngày 23/11. Do tăng giá, số tiền Kido dự kiến bỏ ra để mua 12,34 triệu cổ phiếu TAC cũng sẽ tăng từ hơn 960 tỷ lên 1.012 tỷ đồng.
Năm 2015, Tập đoàn Kinh Đô - đơn vị sở hữu thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô nhiều năm - đã gây bất ngờ cho thị trường với quyết định sẽ chuyển nhượng 80% mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại.
Đến giữa năm 2015, thương vụ với Tập đoàn Mondelēz International (đổi tên Công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương thành Mondelez Kinh Đô Việt Nam) này đã được hoàn tất với giá chuyển nhượng trước thuế gần 8.000 tỷ đồng. Đồng thời Tập đoàn Kinh Đô cũng được đổi tên thành Kido, sau khi thương hiệu cũ về tay đối tác.
Đến cuối tháng 8/2016, toàn bộ 20% còn lại cũng đã được Kido thông báo hoàn tất chuyển nhượng cho Mondelez International với giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Kết quả chuyển nhượng mảng bánh kẹo đem về cho Kido khoảng 10.000 tỷ đồng.
Sau khi thương vụ này, chiến lược đẩy mạnh vào ngành hàng thiết yếu bao gồm gia vị và thực phẩm trở thành trọng tâm thực hiện của Kido, trong đó công ty cũng thể hiện rõ tham vọng thâm nhập ngành hàng mì gói, dầu ăn và hạt nêm.
Đối với ngành hàng dầu ăn, cùng với thương vụ chuyển nhượng mảng bánh kẹo, Kido cũng nhanh chóng ký kết bản thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Fleda Global Ventures (FGV) của Malaysia và Tập đoàn Indo - Trans Logistics Corporation (ITL) trong năm 2015 để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dầu cọ đóng chai tại thị trường Việt Nam và tiến tới việc lập liên doanh. Riêng với thị trường trong nước, Kido muốn trở thành doanh nghiệp dẫn đầu với ý định thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp giữ thị phần lớn trong ngành.
Tính đến hết quý III, Kido đang sở hữu 24% vốn tại Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) với giá trị hơn 543 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng không giấu tham vọng nâng sở hữu tại Vocarimex lên 51% vào cuối năm nay, đồng thời thực hiện chào mua 65% cổ phần của Dầu thực vật Tường An.
Nếu kế hoạch này được thực hiện, Tập đoàn này sẽ gián tiếp sở hữu tới 92% vốn tại Dầu Tường An (Vocarimex hiện sở hữu 27% vốn của Tường An) và hàng loạt công ty dầu ăn khác trên thị trường (Vocarimex cũng nắm giữ vốn tại Dầu thực Vật Cái Lân, Dầu ăn Golden Hope – Nhà Bè hay Dầu thực vật Tân Bình).