Kiểm toán Nhà nước đồng hành, nâng cao hiệu quả công tác quản lý toàn diện tại địa phương
Kiểm toán một số vấn đề nổi cộm
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, ngoài các cuộc kiểm toán theo kế hoạch, một số địa phương đã chủ động “đặt hàng” Kiểm toán Nhà nước kiểm toán một số vấn đề nổi cộm tại địa phương.
Ông Nguyễn Đức Tải - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hưng Yên cho biết, từ việc nhìn nhận đúng đắn giá trị của báo cáo kiểm toán, cũng như tăng cường phối hợp với Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện kiến nghị kiểm toán, đến nay, các kiến nghị về xử lý tài chính tại Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020 của tỉnh đã đạt trên 96%.
Tại tỉnh Hưng Yên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, hàng năm, căn cứ vào báo cáo kết luận của kiểm toán nhà nước, Sở Tài chính đã thực hiện theo dõi, đôn đốc sát sao các cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện kịp thời các nội dung sau kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước. Kết quả, các kiến nghị của kiểm toán tại tỉnh Hưng Yên cơ bản được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, đối với các kiến nghị về xử lý tài chính tại Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020 đã đạt được trên 96% (tổng số kiến nghị về tài chính và kiến nghị khác là 279 tỷ đồng, số đã thực hiện là 272 tỷ đồng, số chưa thực hiện là 9 tỷ đồng).
Còn tại Bình Định, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định - cho biết, trong các năm qua, tỉnh luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với kiểm toán nhà nước trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo đúng định hướng, tránh việc chồng chéo, trùng lặp.
Kiểm toán Nhà nước đồng hành, nâng cao hiệu quả công tác quản lý toàn diện tại địa phương |
Theo đó, tỉnh Bình Định thực hiện đầy đủ kiến nghị của kiểm toán nhà nước với tỷ lệ cao: năm 2019 tỷ lệ thực hiện đạt 100%, năm 2020 thực hiện được 98% và năm 2021 thực hiện được 96% kiến nghị kiểm toán.
Theo ông Hoàng, đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, hoạt động kiểm toán trên các lĩnh vực góp phần xác định những bất cập, hạn chế trong hoạt động quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trên địa bàn. Từ đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị kịp thời chấn chỉnh những sai sót, bất cập trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo đúng quy định.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý
Theo ông Nguyễn Đức Tải, từ những kiến nghị kiểm toán được chỉ ra, tỉnh Hưng Yên đã đề ra một số giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát, lãng phí.
Từ đó, tỉnh Hưng Yên tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước. Quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước (kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên); tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giảm chi thường xuyên, tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển.
Trong quản lý vốn đầu tư công, tỉnh Hưng Yên quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gắn với sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả để góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để từng bước giảm chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, phát huy nguồn lực nhằm tái tạo tài sản và phát triển kinh tế - xã hội.
Còn theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, sự phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với tỉnh Bình Định trong những năm qua đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của hai bên. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã hỗ trợ tỉnh Bình Định hoàn thiện công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công.
Theo ông Hoàng, trên cơ sở kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành rà soát các kết luận giám sát có liên quan; điều chỉnh, bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực tài chính, ngân sách do địa phương ban hành chưa phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, thẩm tra, phê chuẩn dự toán và quyết toán, điều hành ngân sách địa phương hằng năm.