Kiểm toán Nhà nước: Tăng cường kỷ luật, nâng cao chất lượng
CôngThương - Theo đó năm, 2012 định hướng nhiệm vụ của KTNN được xác định là: “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao chất lượng kiểm toán, tăng cường kiểm toán chuyên đề, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, tập trung vào các chủ đề được xã hội quan tâm; đẩy mạnh phân cấp trách nhiệm quản lý và cải cách hành chính trong mọi lĩnh vực; đổi mới công tác cán bộ, thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác trong toàn ngành”.
Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, KTNN sẽ lồng ghép mục tiêu trong tất cả các cuộc kiểm toán để tập trung đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng đất, khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản; quản lý nhà ở, phát triển đô thị, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình hỗ trợ nghèo về nhà ở theo quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, toàn ngành KTNN tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp .
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng theo tinh thần Thông báo Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành TW khóa XI nhằm không ngừng “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta”. Trên tinh thần đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ và nâng cao chất lượng kiểm toán và thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ, kiểm toán viên nhà nước “công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”.
Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tính kịp thời của thông tin kiểm toán, trong đó đặc biệt chú trọng chất lượng công tác xây dựng kế hoạch và báo cáo kiểm toán...
Thứ ba, tập trung nhân lực đổi mới cách làm theo hướng cải cách hành chính, phù hợp thực tiễn, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung 5 quy trình kiểm toán, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán, quy chế tổ chức và hoạt động kiểm toán, thực hiện đề án bổ sung địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.
Thứ tư, thường xuyên coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh. Thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để thực hiện Nghị quyết của Đảng về luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức KTNN. Đổi mới công tác chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lấy đào tạo bồi dưỡng là trọng tâm, phân loại đối tượng đầu vào để xây dựng chương trình đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng kiểm toán.
Thứ năm, thúc đẩy mạnh mẽ và thực hiện có hiệu quả quan hệ hợp tác song phương và đa phương trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác đã ký, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm kiểm toán hoạt động của các nước tiên tiến, nhất là việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả của các chính sách KT-XH. Tranh thủ nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để thực hiện kế hoạch hành động phát triển KTNN, thực hiện tốt vai trò sáng lập viên của ASEANSAI.
Thứ sáu, chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp công tác với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong hoạt động kiểm toán, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và trong phòng ngừa từ xa các biểu hiện vi phạm pháp luật; thực hành tiết kiệm, phối hợp kiểm soát chất lượng kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, theo dõi thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán. Tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, rà soát mức độ ưu tiên, tiến độ thực hiện, chú trọng thực hiện đề án phát triển cơ sở vật chất của KTNN đến năm 2020 đã trình Thủ tướng Chính phủ.
Vũ Điển