Để có cuộc sống “bình thường mới” như hôm nay, mỗi người dân TP. Hồ Chí Minh sẽ không thể nào quên được những ngày tháng “khốc liệt” - những ngày chống dịch căng thẳng. Bác sĩ Lê Minh Khôi - Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh kể lại: Trong đợt dịch lần thứ 4, vào đầu tháng 7/2021 tôi tình nguyện tham gia vào một nhóm bác sĩ tư vấn cho người bệnh Covid trên toàn thành phố. Tuy vậy, chỉ sau 2 ngày tôi đã phải xin rút khỏi nhóm vì không chịu nổi áp lực tâm lý.
Hành trình trao ôxy cho các F0 |
“Không phải vì các trường hợp gọi đến có vấn đề về chuyên môn khó khăn đến độ không giải quyết được, mà chủ yếu vì bản thân không làm được gì ngoài mấy câu tư vấn chung chung. Trong khi người gọi đến cần ôxy, cần xe cứu thương, cần một bệnh viện tiếp nhận... còn bác sĩ tư vấn chỉ có lời nói, động viên, hướng dẫn dường như không ăn nhập gì nữa với sự hoảng loạn của người nhà bệnh nhân. Vì vậy, tôi quyết định rằng sống chết gì mình cũng phải vào trận. Vào thời điểm đó, thành phố quyết định xây dựng Bệnh viện Dã chiến số 10 và giao cho Bệnh viện Đại học Y Dược quản lý. Tôi đã xin giám đốc đi cùng để quyết bám trụ ở đó” - bác sĩ Khôi nhớ lại.Thạc sĩ - Bác sỹ trẻ Lý Tuấn Anh (Bệnh viện Chợ Rẫy) là một trong hàng trăm ngàn nhân viên y tế tham gia chống dịch hồi tháng 7/2021. Thời điểm đó, Tuấn Anh đã gạt đi tất cả công việc đang dở dang bên ngoài để có thể yên tâm lên đường công tác tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 (Bệnh viện dã chiến số 6). Trong cuộc chiến này, với nguồn nhân lực mỏng nên đội ngũ y bác sỹ, y tá, điều dưỡng trong bệnh viện dã chiến luôn sẵn sàng tâm lý hỗ trợ đồng nghiệp bất kỳ khi nào. Mặt khác, để chiến đấu với kẻ thù giấu mặt Covid-19, đòi hỏi lực lượng y tế còn phải nỗ lực, tận tâm hết mình trong công việc. May mắn là ngành y đã tôi luyện đội ngũ y bác sỹ nên mọi người đều quen với áp lực trong công việc. Vì vậy, lúc nào đội ngũ y, bác sỹ tại bệnh viện đã chiến số 6 cũng vui vẻ, lạc quan để truyền đi nguồn năng lượng tích cực nhất cho các bệnh nhân F0.
Các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch |
Ở những giai đoạn căng thẳng nhất của dịch trong tháng 8 và đầu tháng 9/2021, để “chia lửa” cùng các bác sĩ chiến đấu “trực,diện” với dịch bệnh, TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều hội nhóm tư vấn F0 miễn phí cho người dân. Lê Khôi - cựu phóng viên Vuasanca hiện là quản trị viên của Nhóm bác sĩ hỗ trợ tư vấn F1, F0 cách ly tại nhàchia sẻ: Xuất phát từ ý tưởng ban đầu hỗ trợ cho những bệnh nhân F0, chúng tôi đã lập lên nhóm này. Từ một nhóm nhỏ bệnh nhân giới thiệu qua nhau mà tới nay nhóm mở rộng với 63.000 thành viên và gần 100 bác sĩ, đội ngũ hậu cần, hỗ trợ vận chuyển ôxy, thuốc… cho người bệnh. “Chúng tôi đã dành nguồn lực tối đa để hỗ trợ, tư vấn, chuyển ôxy, cung cấp thuốc cho bệnh nhân. Lúc ấy, có những bác sĩ của chúng tôi nhận gần 1.000 trường hợp bệnh mỗi ngày. Có bệnh nhân đến khi nhờ mà bác sĩ của nhóm chưa hỗ trợ thì đã mất” - Lê Khôi chia sẻ về quãng thời gian căng thẳng của năm 2021.
Lan tỏa yêu thương
Ngoài lực lượng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch còn có những mạnh thường quân, doanh nhân và cả người dân… Họ đã không ngại xông pha vào trận mạc để chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt” bằng việc hỗ trợ vật tư y tế, ôxy cho các F0 cũng như chăm lo từng bữa cơm cho người dân thành phố.
Bộ đội chi viện cho TP. Hồ Chí Minh, thực hiện trao quà và đi chợ thay dân |
Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP. Hồ Chí Minh, số lượng người mắc bệnh cần đến ôxy để thở tăng đột biến, ngay lập tức, anh Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty PHG Smarthome đã kết hợp với Thành Đoàn và Trung ương, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho ra mắt “ATM ôxy”. Việc làm kịp thời này đã hỗ trợ cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn F0 cách ly tại nhà vượt qua nguy hiểm.
Cùng với “ATM ôxy”, hình ảnh các “chú bộ đội” đi chợ mua giúp thực phẩm cho dân trong những ngày phải thực hiện giãn cách “ai ở đâu, ở yên đó” cũng là ký ức không thể nào quên của người dân thành phố. Bất chấp nguy hiểm rình rập, bộ đội len lỏi vào các con hẻm nhỏ để trao quà tới tận tay các F0 và gia đình nạn nhân tử vong vì Covid-19. Các chú bộ đội cũng không ngại khó để đi chợ giúp dân và trao túi thực phẩm tận tay cho hàng triệu hộ dân khi họ khó khăn nhất. Đó là những hình ảnh về tình quân dân ấm áp lòng người và cũng là hình ảnh ghi lại một thời khắc lịch sử khi thành phố đông dân nhất nước bị đại dịch hoành hành.
Trải qua những ngày tháng chống dịch khốc liệt, tới nay, thành phố đang bình yên nhộn nhịp trở lại, vẫn có ca bệnh mới, vẫn có F0 trong cộng đồng... song đời sống kinh tế - xã hội đã đi vào trạng thái bình thường mới. Ký ức về những biến cố trong những ngày tháng đau thương đó không phải là chuyện đã qua. Chúng ta vẫn đang sống với ký ức đó, không phải để bi lụy mà để biết trân trọng hơn những gì giản dị nhất mà chúng ta đang có. Đó là hơi thở, là tình người, là sự hy sinh quên mình, là những quyết định phải đưa ra giữa làn ranh sự sống và cái chết ngay trước mắt...