Kiên định mục tiêu Chính phủ kiến tạo
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời các câu hỏi của phóng viên |
Rút ngắn khoảng cách từ lời nói đến hành động
Cụ thể, theo người phát ngôn của Chính phủ, Chính phủ dành ½ thời gian phiên họp thường kỳ tháng 8/2016 để thảo luận, cho ý kiến vào 5 dự thảo luật, trong đó, có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghị định về quy chế làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; một pháp lệnh và một số văn bản khác với trọng tâm ưu tiên xây dựng Chính phủ kiến tạo, không để khoảng trống pháp lý.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, phải quan tâm đến quy trình và thẩm quyền giải quyết của các Bộ, ngành, địa phương theo hướng xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân từ cấp cơ sở, không đùn đẩy trách nhiệm, không “đẩy” việc lên Chính phủ.
“Cụ thể hóa tinh thần nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng với nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo trực tiếp với Thủ tướng theo định kỳ hàng tháng” - ông Mai Tiến Dũng nói và cho biết thêm, tại phiên họp này: “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng tập trung thảo luận xem bộ máy có thực sự chuyển động và hướng về người dân và doanh nghiệp hay không?”.
Thoái vốn tại Habeco và Sabeco sẽ theo đúng trình tự
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, ông Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, các hiệp hội... với tinh thần khắc phục tư tưởng trì trệ, bảo thủ, “quyền anh, quyền tôi” và phải công khai, minh bạch.
Về công tác cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, nguyên tắc niêm yết trên sàn chứng khoán là quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa.
Các doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa “phải niêm yết trên sàn chứng khoán, phải đấu thầu, tư vấn và phải đấu giá công khai” - ông Dũng cho biết đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng với tinh thần này, trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc thoái vốn Nhà nước tại hai tổng công ty (Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội - Habeco, và Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn - Sabeco), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 29/8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco phải thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế nhằm tránh hiện tượng lợi ích nhóm, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước và cổ đông.
Cụ thể, với Habeco, Nhà nước nắm giữ 81,79% vốn điều lệ, người lao động nắm giữ 0,56% vốn điều lệ, các cổ đông khác giữ 1,88%, nhà đầu tư chiến lược Carlsberg nắm giữ 15,77% nhưng Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bán thêm 5,77% cho nhà đầu tư chiến lược này. Với Sabeco, cổ phần do Nhà nước nắm giữ sẽ là 89,59% vốn điều lệ, cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 0,39% vốn điều lệ. Phần vốn bán đấu giá ra ngoài chiếm 10,20% vốn điều lệ còn lại.
“Do quy mô vốn của Habeco và Sabeco khác nhau nên lộ trình thoái vốn của từng doanh nghiệp sẽ khác nhau” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói và cho biết, với Habeco, sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước, tương đương 9 nghìn tỷ đồng, sẽ thực hiện trong năm nay. Còn với Sabeco, Bộ Công Thương đề nghị, việc thoái vốn Nhà nước chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn một (trong năm 2016) sẽ bán 53,59% vốn, tương đương 24 nghìn tỷ đồng, giai đoạn hai (trong năm 2017) sẽ bán 36% vốn điều lệ còn lại tại đơn vị này.
“Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ triển khai công việc để thực hiện thoái vốn tại hai đơn vị này” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông báo và cho biết, việc thoái vốn sẽ thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, tuân thủ quy tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.