Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong thi hành pháp luật
Thừa ủy quyền của Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần vừa có Văn bản số 3437/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV |
Căn cứ kết quả hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận: Công tác triển khai luật, nghị quyết, nhất là từ sau Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, đã có chuyển biến tích cực.
Các cơ quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nhất là sức ép về tiến độ, khối lượng công việc, nỗ lực khẩn trương triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả luật, nghị quyết.
Các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có nhiều nội dung rất quan trọng, quy định nhiều chính sách mới, đột phá, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, có tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội của đất nước, có ý nghĩa không chỉ đối với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, năm 2025, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài trong giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, với việc thông qua Luật Đất đai năm 2024, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ. Các luật, nghị quyết được ban hành bước đầu đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân, cử tri, đồng bào ta ở trong và ngoài nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Do đó, việc triển khai các luật, nghị quyết đòi hỏi các cơ quan phải khẩn trương, tổ chức thực hiện khối lượng công việc rất lớn, với sự tập trung, nỗ lực và quyết tâm rất cao, trọng tâm là: Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội;
Phân công cơ quan của Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thẩm tra kỹ lưỡng đối với báo cáo của Chính phủ, các cơ quan về việc thực hiện yêu cầu trong luật, nghị quyết, báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận trong trường hợp cần thiết. Các cơ quan của Quốc hội chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ bám sát yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết của Quốc hội được nêu cụ thể trong Báo cáo số 755/BC-UBTVQH15 ngày 5/3/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, đề nghị sớm ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành; tiếp tục ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tuân thủ nghiêm túc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tập trung khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy định chi tiết các luật (gồm 29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư), ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư (để thích ứng với việc đánh thuế bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu) bảo đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết, có tính khả thi, nhất quán, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết các luật có mối quan hệ mật thiết với nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,... không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục trong tổ chức thực hiện.
Đồng thời, chú ý các chính sách, quy định mới, có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.
Tiếp tục rà soát các văn bản dưới luật có liên quan đến các quy định mới của luật, nghị quyết để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp và đồng bộ với các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.
Tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị trình Quốc hội thảo luận về báo cáo này.
Trong quá trình thực hiện, cần gắn kết chặt chẽ việc rà soát, kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc rà soát, kiến nghị xử lý các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.