Ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài |
Năm 2014 đánh dấu 55 năm thành lập Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Xin Thứ trưởng đánh giá khái quát về kết quả đạt được của Ủy ban trong năm 2014 và phương hướng trong năm 2015?
Cùng với dấu mốc 55 năm thành lập Ủy ban, năm 2014 là năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, gắn công tác vận động kiều bào với các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế của đất nước và triển khai toàn diện các mảng công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Năm 2014, cùng với nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài hướng về biển đảo quê hương trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đoàn kết, nêu cao tinh thần yêu nước, biểu thị quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng các cuộc tuần hành quy mô, trật tự, ôn hòa, thu hút sự chú ý và ủng hộ của bạn bè quốc tế. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức nhiều hoạt động để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ tình hình và thể hiện quyết tâm cùng nhân dân cả nước bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương mình.
Về công tác xây dựng chính sách, năm 2014, Ủy ban đã đóng góp ý kiến, kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Quốc tịch 2008 theo hướng người Việt Nam ở nước ngoài không bắt buộc phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, ban hành Luật Nhà ở năm 2014 theo hướng mở rộng các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và không giới hạn số lượng nhà được sở hữu.
Trong năm 2015, công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được Ủy ban tiếp tục triển khai theo hướng gắn liền với các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước, đặc biệt là những hoạt động kỷ niệm những ngày lễ trọng đại như Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ủy ban sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản triển khai Nghị quyết 36 trong giai đoạn mới, triển khai các đề án lớn như Đề án thu hút trí thức kiều bào về nước làm việc, đề án chung tay giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài...
Kiều bào giữ một vị trí đặc biệt, là bộ phận không tách rời và luôn hướng về Tổ quốc, quê hương với tình yêu bằng cả trái tim, trong đó có đóng góp về đầu tư và các hoạt động kinh tế. Đánh giá của ông về các hoạt động kinh tế của kiều bào ta đối với đất nước trong năm vừa qua?
Đúng vậy, sự gắn bó của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, bên cạnh khía cạnh tình cảm, còn thể hiện bằng sự tham gia, đóng góp hữu hiệu vào công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, đầu tư và kiều hối của kiều bào về trong nước vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 9/2014 có 2.464 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động với số vốn đăng ký là 41.571 tỷ VND và vốn góp đăng ký là 14.310 tỷ VND.
Nhiều năm gần đây, đầu tư của kiều bào về Việt Nam tăng cùng chiều với kiều hối. Năm 2014 dự kiến kiều hối đạt 12 tỷ USD tăng 10% so với 2013, được cho là cao kỷ lục từ trước đến nay và có sự dịch chuyển qua lại giữa các kênh đầu tư. Tại TP. Hồ Chí Minh, kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh với 71,4% (năm 2013 là 70,2%); bất động sản khoảng 22,1% (năm 2013 là 20%); còn lại là hỗ trợ sinh hoạt của gia đình.
Chúng ta có thể hy vọng, năm 2015 đầu tư và kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài về nước sẽ tiếp tục tăng, dự báo khoảng 7 - 10% so với năm 2014.
Như thường lệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức Chương trình “Xuân Quê hương 2015 - Tổ quốc vinh quang” đón đồng bào về ăn Tết. Chương trình diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 7-8/2 và ngày 9-10-11/2 tại Hà Nội. |
Đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài là một chương trình lớn của Nhà nước, hoạt động này diễn ra như thế nào trong năm 2014, thưa Thứ trưởng?
Chúng ta đang thực hiện Cuộc vận động lớn của Bộ Chính trị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Một trong những mục tiêu của cuộc vận động là đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và vào thị trường các nước.
Với sự vận động và hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các nước, nhiều doanh nghiệp, công ty xuất nhập khẩu của kiều bào tại Mỹ, châu Âu, Úc đã hưởng ứng kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam như nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng may mặc, giày da, gạo, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ…, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cộng đồng cũng như thị trường sở tại. Hiện các mặt hàng này đang được tiêu thụ tại hơn 20 trung tâm thương mại tại các tiểu bang của Hoa Kỳ, các trung tâm thương mại của người Việt, các nước châu Âu và Úc…
Các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài tích cực hoạt động thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào sở tại, tổ chức nhiều diễn đàn doanh nghiệp ở từng nước và trong khu vực châu Âu, Áo, Bulgaria, Rumania, Hungaria, Ý, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Cuối cùng, sẽ không đầy đủ nếu không kể đến hàng năm có hàng trăm nghìn lượt kiều bào về thăm đất nước. Khi trở lại nơi sinh sống và học tập bà con thường mang theo một số lượng hàng hóa không nhỏ để dùng và làm quà giới thiệu hàng hóa của Việt Nam tại các nước.
Tết cổ truyền có ý nghĩa đặc biệt hơn với những người con xa xứ, mang đậm tình cảm hướng về Tổ quốc, quê hương. Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thứ trưởng muốn nhắn gửi tới toàn thể kiều bào ta ở nước ngoài điều gì?
Một mùa xuân mới đang về, với mỗi người Việt Nam dù ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài, Tết cổ truyền dân tộc là dịp gác lại những lo toan, bề bộn, cùng sum vầy với gia đình, người thân, ước nguyện cho một năm mới tốt đẹp cho bản thân, gia đình, quê hương, đất nước và cho nhân loại.
Nhân dịp Tết Ất Mùi 2015, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới toàn thể cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chúc bà con kiều bào ở nước ngoài có một cái Tết đậm đà bản sắc dân tộc, ấm áp và hạnh phúc bên gia đình. Mong bà con luôn có cuộc sống ổn định, ngày càng phát triển, hòa nhập và đóng góp cho xã hội sở tại, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và mối quan hệ gắn bó với Tổ quốc Việt Nam, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia, đoàn kết, đồng lòng cùng nhân dân cả nước xây dựng tương lai tươi sáng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!