Tiếp cận kinh nghiệm quốc tế trong giám sát hoạt động kiểm toán độc lập Kinh nghiệm quốc tế về sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số |
Bộ Ngoại giao đã chủ trì phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm xây dựng Báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV. Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các cơ quan của Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp, các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế.
Kể từ khi ra đời năm 2008 đến nay, cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát UPR được đánh giá là một trong những cơ chế thành công nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, giúp tăng cường năng lực cho các quốc gia trong thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người trên cơ sở nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch và xây dựng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Hải Anh - Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế (Bộ Ngoại giao) - cho biết: Trong suốt quá trình tham gia Cơ chế UPR, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, với tỷ lệ chấp thuận khuyến nghị ngày càng tăng, lên tới hơn 83% tại chu kỳ III, cao hơn mặt bằng chung của các quốc gia khác.
Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm xây dựng Báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV |
Đầu năm 2022, Việt Nam đã nộp Báo cáo giữa kỳ tự nguyện lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và trở thành một trong 39 nước nộp Báo cáo này. Với chu kỳ IV, Việt Nam dự kiến sẽ nộp Báo cáo quốc gia lên Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm 2024 và Hội đồng Nhân quyền sẽ thông qua kết quả rà soát với Việt Nam tại Khóa họp 57 (tháng 9/2024).
Xuyên suốt quá trình UPR, Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm 4 nguyên tắc: Việc thực hiện các khuyến nghị UPR luôn gắn với tổng thể chủ trương, chính sách và nỗ lực của Việt Nam về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Tăng cường gắn Báo cáo UPR với thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khuyến nghị đã chấp thuận, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong hoàn thiện các khuôn khổ chính sách, pháp luật về quyền con người; Đẩy mạnh sự tham gia rộng rãi, xây dựng của các bên liên quan; Chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế.
Đánh giá về các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), bà Pauline Tamesis - Điều Phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định: Việt Nam trong các báo cáo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát UPR đã cho thấy cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo khung chính sách và kết hợp giữa việc tăng trưởng kinh tế - xã hội với nhân quyền.
Những cam kết, nỗ lực tích cực của Việt Nam với tiến trình UPR, đặc biệt là tạo điều kiện cho sự tham gia, đóng góp ý kiến rộng rãi của các bên liên quan; nhấn mạnh việc thực thi các khuyến nghị UPR cũng góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) trong bối cảnh tiến độ hoàn thành các SDG trên bình diện toàn cầu đang gặp nhiều trở ngại, do 39% các khuyến nghị UPR liên quan tới SDG 16 (hòa bình, công lý và thể chế), 14% liên quan đến SDG 1 (xóa nghèo), 9% liên quan đến SDG 10 (giảm bất bình đẳng), 8% liên quan đến SDG 4 (giáo dục có chất lượng), 7% liên quan đến SDG 17 (quan hệ đối tác).
Bà Pauline Tamesis nhận định, năng lực tự chủ của quốc gia có ý nghĩa quyết định đối với kết quả thực hiện UPR, song hợp tác quốc tế có thể đóng vai trò bổ trợ tích cực; đồng thời khẳng định các cơ quan Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình UPR nói riêng và các nỗ lực bảo đảm quyền con người nói chung. "Tôi rất vui khi được thấy những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chuẩn bị báo cáo UPR được Liên hợp quốc và Chính phủ Na Uy hỗ trợ. Chúng tôi cũng rất vui khi Chính phủ sẵn sàng kết nối tất cả các bên liên quan và làm việc không chỉ ở cấp Trung ương mà cả các cấp độ địa phương để thực hiện các cam kết đảm bảo quyền con người" - bà Pauline Tamesis cho hay.
Trong khi đó, Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski nhấn mạnh: "Tôi nghĩ điều mà Việt Nam có thể tự hào nhất về nhân quyền đó là những thành tựu trong kinh tế - xã hội khi có hàng triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói, được đảm bảo an ninh lương thực, được học tập. Chăm sóc y tế đạt tiêu chuẩn cao ở Việt Nam và đang tiếp tục phát triển. Và tôi nghĩ, Chính phủ Việt Nam cũng đang rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng của các dân tộc thiểu số vào quá trình phát triển thịnh vượng của quốc gia".
Tham gia thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm đa dạng về thực tiễn xây dựng Báo cáo UPR trên thế giới và tại Việt Nam, gắn kết tiến trình UPR với các chính sách, nỗ lực tổng thể về bảo đảm quyền con người, phát triển bền vững, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, nâng cao tính minh bạch và sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ những thông tin cập nhật về tình hình triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III và xây dựng Báo cáo UPR chu kỳ IV của các quốc gia. Từ đó khuyến nghị một số giải pháp để các cơ quan chức năng của Việt Nam nghiên cứu, áp dụng để nâng cao hiệu quả xây dựng và hoàn thành Báo cáo UPR thời gian tới.