Kinh tế 2023: Doanh nghiệp cần nhận diện trúng và đúng thách thức để sẵn sàng ứng phó
Năm 2023, triển vọng kinh tế toàn cầu được dự báo có nhiều biến động, phức tạp khó lường. Trong kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ghi nhận tăng trưởng giảm.
Với Việt Nam, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo, Việt Nam sẽ ghi nhận tăng trưởng điều chỉnh vào 2023. Những thách thức của kinh tế Việt Nam sẽ bị chi phối bởi suy thoái đình lạm của các thị trường toàn cầu, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào các thị trường lớn và tương ứng là tác động của các biến động lãi suất từ các nước lớn, biến động ngoại hối. Đồng thời, tác động của thị trường vốn do bất ổn, mất niềm tin trên thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu xáo động đang khiến doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn thách thức của 2023 từ bên ngoài và nội tại đang đặt ra bài toán lớn.
Đông đảo doanh nghiệp tham dự tọa đàm “Dự báo Kinh tế - Vượt cơn gió ngược 2022” |
Tại tọa đàm “Dự báo Kinh tế - Vượt cơn gió ngược 2022”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 27/12, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra những khó khăn của năm 2023.
Đó là sự tái đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ngay sau đợt đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong 2 năm đại dịch, bất chấp nỗ lực tái định hình, xây lại chuỗi cung ứng của các nền kinh tế. Đó là sự bất ổn của giá hàng hóa, đặc biệt là giá hàng hóa đầu vào của mọi nền kinh tế, năng lượng - giá xăng dầu, kéo theo nguy cơ bất ổn về đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. Kéo theo bất ổn của các nền kinh tế lớn khi phải ứng phó với lạm phát tăng cao, hệ quả từ các vấn đề nêu trên, cộng hưởng cùng chính sách tiền rẻ và các gói hỗ trợ khổng lồ trong đại dịch, dẫn đến sự thắt chặt tiền tệ quá mức làm “đảo chiều” các dòng vốn đầu tư.
Theo ông Thành, trong một khảo sát nhanh của VCCI về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua, kết quả ghi nhận có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới. “Với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động”, ông Võ Tân Thành chia sẻ.
Dưới góc nhìn từ chuyên gia tài chính, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, những khó khăn thách thức, từ các tổ chức tài chính thế giới đến các chuyên gia Việt Nam đều cho rằng, khó khăn đến từ yếu tố bên ngoài chứ không đến từ nội tại của Việt Nam. Song chúng ta vẫn có những thuận lợi và cơ hội nhất định bên cạnh những bi quan về lãi suất và lạm phát.
“Theo quan sát xuyên suốt từ tháng 9 đến tháng 12/2022, chúng tôi thấy rằng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang từng bước kiểm soát những khó khăn xuất hiện như lãi suất cao, kẹt tín dụng,... không phải từ chính sách mà từ bất ổn của cách sử dụng vốn để từ đó kiểm soát từng bước uyển chuyển, không gây ra các cú sốc như giai đoạn 2011-2012. Những gì chúng tôi lo lắng từ hệ thống ngân hàng, kể cả trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước được kiềm chế, nên điểm xấu của lãi suất, tín dụng cuối năm nay mà chúng ta lo lắng thì ở năm sau sẽ được tháo gỡ”- TS Đinh Thế Hiển nói.
Ông Đinh Thế Hiển cũng dự báo diễn biến kinh tế 2023, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý 1 và trở về ổn định vào cuối quý 2/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý 2 trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý 1-2/2023 và sẽ phục hồi tăng vào quý 3. Ông cho rằng, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý 2/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý 3, với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ.
Từ những dự báo trên, các chuyên gia khuyến nghị: Để nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 2023 từ các trụ cột đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng, thực hiện đạt các chỉ tiêu Quốc hội đã giao cho Chính phủ trong năm 2023 là tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD; bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ, rất cần sự nỗ lực tiếp tục của cộng đồng doanh nghiệp để “vượt cơn gió nghịch”, với nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn ở năm tới để có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt ngay từ bây giờ.