Kinh tế chia sẻ: Cơ hội và thách thức
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Vũ Đại Thắng - phát biểu tại hội thảo |
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bản chất của kinh tế chia sẻ (KTCS) là mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng: KTCS là mô hình kinh doanh khá mới mẻ trên thế giới và càng mới mẻ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là một mô hình có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và được dự báo trở thành một xu hướng kinh doanh mới trong những năm tới. Tại sao KTCS lại phát triển mạnh mẽ và trở thành xu thế trong những năm tới?. Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, đây là mô hình mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội, do giúp giảm được chi phí giao dịch và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn.
Bên cạnh những mặt tích cực, KTCS cũng gây ra một số rủi ro cho nền kinh tế và xã hội. Cụ thể, mô hình này sẽ làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Đặc biệt, KTCS là một mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ 4.0, do đó rất nhiều người lao động sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, gây ra xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống, dẫn đến cạnh tranh không công bằng trên thị trường. Cùng với đó, hạ tầng thông tin tại Việt Nam thiếu đồng bộ, sẽ dẫn đến những hạn chế, bất cập trong ứng dụng KTCS.
Để tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra sự thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó có KTCS. Cùng với đó, để tận dụng KTCS, cần nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử và cơ sở hạ tầng thông tin, đặc biệt cần xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với mô hình KTCS.
Trên thực tế, để tận dụng được mô hình KTCS, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ” tại Nghị quyết số 13/NQ-CP vào ngày 8/2/2018.
“Đề án này đang được xây dựng để triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên của Chính phủ, đồng thời đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước đối với loại hình KTCS tại Việt Nam” – Thứ trưởng Vũ Đại Thắng thông tin thêm.