Kinh tế Pháp ‘vớ bẫm’ nhờ hiệu ứng Olympic
Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), doanh thu từ hoạt động bán vé và phát sóng đang tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế của Pháp trong quý III/2024, đóng góp 0,25% vào tăng trưởng GDP. Trong đó khách du lịch, một yếu tố không chắc chắn của Olympic, cũng sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng trong giai đoạn này.
INSEE cho rằng, sự gia tăng khách du lịch sẽ giúp thúc đẩy lưu lượng sử dụng phương tiện giao thông, đồng thời tác động tích cực đến các ngành khách sạn và dịch vụ ăn uống của Pháp.
Trong khi đó, Trung tâm Luật và Kinh tế thể thao (CDES) thuộc trường Đại học Limoges (Pháp) ước tính, từ năm 2018, khi công tác chuẩn bị cho Olympic Paris được khởi động, đến năm 2034 - một thập kỷ sau sự kiện, tác động kinh tế của Thế vận hội đối với khu vực Ile-de-France sẽ tương đương khoảng 6,7-11,1 tỷ Euro (6,1-10,2 tỷ USD).
Olympic Paris 2024 được kỳ vọng sẽ giúp nâng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp thêm 0,3% trong quý III/2024. Ảnh: AP |
Trong đó, 70% sẽ đến từ các hoạt động xây dựng và tổ chức sự kiện, 30% đến từ du lịch. CDES ước tính, 84% "hiệu ứng Olympic" sẽ được ghi nhận trong quá trình chuẩn bị và trong giai đoạn diễn ra Thế vận hội. Phần còn lại sẽ được cảm nhận sau 10 năm, chủ yếu đến từ lĩnh vực du lịch.
Thủ đô Paris thường đón khoảng 12 triệu lượt du khách từ tháng Bảy đến tháng Tám. Văn phòng Du lịch Paris dự kiến sẽ đón 15,3 triệu lượt du khách trong thời gian diễn ra Olympic Paris 2024.
Tuy nhiên, theo Văn phòng Du lịch Paris, thành phố này đã đón 650.000 lượt du khách từ ngày 24-27/7, tăng 16%, trong đó số lượng du khách Pháp tăng 17,3% và du khách nước ngoài tăng 14,8%.
Văn phòng Du lịch Paris cho biết, vào cuối tuần đầu tiên của tháng 8, tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn tại Paris đạt gần 90%, trong khi trong suốt thời gian diễn ra Olympic, tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn Paris sẽ đạt hơn 80%, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, về việc làm, Ủy ban Olympic quốc tế dự đoán, Olympic Paris 2024 sẽ tạo ra tổng cộng 181.000 việc làm và đào tạo 30.000 người với các kỹ năng chuyên môn.
Thế vận hội Olympic được cho là một trong những sự kiện có khả năng thúc đẩy nền kinh tế Pháp. Các tài liệu kinh tế cũng đã đưa ra một số mô hình nhằm cố gắng tìm hiểu những tác động kinh tế của Thế vận hội này.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, François de Villeroy de Galhau, tác động của sự kiện thể thao số một thế giới đối với nền kinh tế Pháp “sẽ chỉ dừng ở mức hạn chế” và cho rằng “dự tính của INSEE là hơi lạc quan”.
Ông Bruno Cavalier, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính ODDO-BHF, khẳng định tác động của Thế vận hội đối với kinh tế Pháp là “rất khó định lượng”. Trước hết, nó có tác động vi mô lớn hơn và rõ ràng hơn, trong khi tác động vĩ mô là rất hạn chế, nếu không muốn nói là bằng không. Thông thường đối với loại sự kiện như vậy, các con số dự kiến đều bị thổi phồng và trong khi các chi phí liên quan đều được giảm thiểu.