Lúc ấy máy ảnh công nghệ số chưa thịnh hành như bây giờ, bạn tôi lại chụp ảnh nghệ thuật nên toàn chụp phim. Anh ta cho tôi xem những bức ảnh chụp sông La (Hà Tĩnh), Sa-Pa (Lào Cai), toàn ảnh trắng đen, in giấy cac-ton loại I. Hiệu quả thẩm mỹ do các tác phẩm đem lại một cảm xúc hoàn toàn mới mẻ. Đi bên cạnh, tôi thấy bạn liên hồi bấm máy và thay phim. Quay lại nhà tôi trời đã ngả sang chiều, bạn tôi mê mải như lạc vào một thế giới khác. Lúc ông trưởng thôn và mấy người bảo vệ đến nhà thì tôi giật mình. Tôi đã xin phép chính quyền rồi kia mà. Người trưởng thôn yêu cầu người Mỹ ra khỏi làng vì đã hết thời gian cho phép. Thế là bạn tôi không thể chờ để chụp một chiều hoàng hôn trên quê tôi như dự định. Trước khi ra về, người bạn Mỹ chỉ biết hoa chân múa tay đầy vẻ nuối tiếc và không thể hiểu, sao ở một làng quê chỉ cách Hà Nội có 45 km lại nghiêm cẩn thế? Tôi cũng chỉ biết lắc đầu, chúng ta đã "mở cửa và hội nhập" từ đầu những năm 90 mà hiện tại quê tôi vẫn… đề cao cảnh giác như vậy!
Nhớ lại những năm 80 của thế kỷ XX thì thật là một sự khôi hài. Năm ấy, có một học giả người Pháp gốc Ba Lan cùng với chồng là người Việt, ông tên là Nguyễn Tùng (gia đình người Việt này đã định cư ở Pháp từ những năm 30) đến làng tôi nghiên cứu. Không có phiên dịch, cần gì thì anh chồng dẫn giải. Họ nghiên cứu gì tôi không biết, đi cùng với họ luôn có một cán bộ của Phòng văn hóa thị xã. Họ đến nhà, hồi ấy bố tôi còn khỏe, ông trực tiếp trò chuyện (bằng tiếng Pháp). Sau khi công trình hoàn thành, họ đến cám ơn và tặng bố tôi bài nghiên cứu vì ông đã giúp họ hiểu được nhiều điều ở làng. Hết giờ hành chính vợ chồng người Pháp phải quay về thị xã Sơn Tây, ở trong phòng khách của Văn phòng ủy ban thị xã. Một hôm đầu giờ làm việc, họ phàn nàn: Chiều qua, người phụ nữ đang tắm thì mất điện, tất nhiên kèm theo mất nước. Người đàn bà cuốn một cái khăn tắm quanh người rồi mang cả cái đầu toàn bọt xà phòng xuống…"cãi nhau" với nhà khách: Tôi đã trả tiền đầy đủ cho mọi dịch vụ sao lại đối xử với chúng tôi như thế này? Đúng là họ không thể hiểu! Quê tôi đến tận hôm nay – đầu thế kỷ XXI, mọi thứ vẫn được hành xử một cách tùy tiện như thế!
Mấy năm sau, vợ chồng người Pháp nọ đã bảo vệ thành công Luận văn Tiến sĩ, rồi được dịch ra tiếng Việt. Nhà xuất bản Văn hóa Việt Nam lấy nguyên văn bản dịch này, in kèm với một số nghiên cứu của các học giả trong nước, thành một cuốn: "Mông Phụ - Một làng ở đồng bằng Bắc Bộ". Trên cơ sở của những nghiên cứu này và một số đóng góp của ông Tomoda Hiromitchi thông qua tổ chức Jika, năm 2005 làng tôi được bộ Văn hóa - Thông tin ký quyết định công nhận "Di tích kiến trúc nghệ thuật" mà hiện nay gọi với cái tên chung là "Làng cổ Đường Lâm"!
Có một đoàn khách Pháp đã đứng tuổi hỏi một tấm ảnh trên tường có phải là bố tôi. Tôi bảo đúng thế. Ông ta lại hỏi: Trên ngực ông ta có cái mề-đay mang ý nghĩa gì? Tôi bảo đó là huy hiệu 50 tuổi đảng của ông. Bố ông có tham gia chiến tranh không? Lúc này chú hướng dẫn du lịch ra hiệu cho tôi là đừng nói đến những vấn đề nhậy cảm. Tôi bảo chú yên tâm, đây là một thực tế lịch sử, chúng ta nên nói một cách sòng phẳng. Hình như đoán ra điều gì đó qua mấy từ Điện Biên Phủ, người Pháp nọ cứ xoáy vào hỏi bắt buộc chú hướng dẫn phải dịch lại.
Tôi nói: Bố tôi là một công chức trong thời thuộc Pháp, sau đó ông theo Việt Minh như rất nhiều người cùng thời với ông đã làm. Ông đã nện Pháp những đòn chí tử ở Điện Biên Phủ. Rồi ông ra quân trở thành một công chức của chính quyền thị xã này. Người Pháp hỏi, tôi bảo bố tôi sống được 80 tuổi. Ông ta nói thế là quá nửa đời người bố tôi đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản. Ông ấy là người hạnh phúc. Tôi nói hạnh phúc còn tùy thuộc vào cách quan niệm. Người khách Pháp bảo: Bố tôi hạnh phúc vì trước mặt ông chỉ có một con đường. Còn chúng tôi sẽ không được như ông ấy, vì hiện nay trước mắt chúng tôi có nhiều thứ quá. Ông ta nói: Hiện tôi đang là đảng viên Đảng cộng sản Pháp. Tôi cũng không dám hỏi thêm người khách này một điều gì nữa.
Khách du lịch tham quan Đường Lâm Ảnh: B.Đ.K |
Có một bà người Canada hỏi tôi sao trong nhà nhiều sách thế. Tôi bảo sách của nhiều thế hệ dồn lại thành một tủ sách của gia đình. Tôi đọc tên một số tác giả văn học và một số danh nhân thế giới, bà ta hết sức ngạc nhiên. Trước khi đến đây bà ta không nghĩ như vậy. Tôi bảo con tôi là đời thứ mười ở trong ngôi nhà này, chúng cũng đã đọc và thậm chí có tác phẩm chúng đã đọc qua nguyên tác bằng tiếng Anh. Bà ta không tin, tìm cách kiểm tra bằng cách nói chuyện với nó. Sau khi trò chuyện bà ta nói với tôi rằng, tiếng Anh của cháu rất tốt. Tôi nói ở Việt Nam hiện nay có những thế hệ học sinh, sinh viên họ học thật. Họ học để ngày mai có việc làm, nhất là những vùng quê như làng tôi và như điều kiện gia đình tôi, không có cơ hội kiếm việc làm cho con, nếu nó không tự tìm chỗ đứng trong cuộc đời này. Chẳng biết cuộc đời có chiều theo ý chúng không?
Hôm nay các ngài đến đây, trong một ngôi nhà cổ đã mười thế hệ sinh sống. Một cái làng trù phú mà ở Việt Nam làng nào cũng như vậy, bởi đất nước chúng tôi có một lịch sử nông nghiệp lúa nước kéo dài mấy thế kỷ. Một di sản văn hóa vô giá nếu như còn nguyên vẹn. Nhưng hôm nay chỉ còn được có thế bởi chiến tranh, bởi những quan niệm ấu trĩ một thời, bởi những lỡ làng của lịch sử… Bởi các ngài còn biết quá ít về chúng tôi. Tôi bảo chú phiên dịch: Chú phải dịch cho tôi một câu nguyên vẹn và tử tế như thế này: "Tôi (chúng tôi) yêu ngôi làng của mình như yêu một bà mẹ, ngay cả khi đau đớn ê chề nhất"!
Tôi không còn tự kỷ ám thị như những ngày đầu người nước ngoài đến làng nữa. Lúc ấy tôi nghĩ, có lẽ họ đến làng để thấy những điều cổ hủ, lạc hậu của một vùng quê. Dưới một góc độ nào đó thì mình cũng phải nhịn đi để mà kiếm sống qua cái ngành được mệnh danh là "công nghiệp không khói" này. Vợ chồng tôi làm tương gần hai mươi nhăm năm, đây là một nguồn thu nhập quan trọng của gia đình tôi. Trong thời gian ấy tôi không bao giờ coi khách hàng là "thượng đế" cả. Tôi đơn giản chỉ mang lại cho khách hàng một mặt hàng. Khách bỏ tiền ra như thế nào họ nhận được ở tôi một điều tương đương. Đến bây giờ cũng vậy, chúng tôi làm du lịch cũng trên tinh thần ấy.
Họ hỏi tương là thế nào, tôi bảo họ tương là như thế, ăn thì khắc biết. Nhưng cũng phải "đính chính" trước như thế này: Nếu cho các ngài ăn tương cũng ví như các ngài cho chúng tôi ăn pho - mát thối vậy. Thứ pho - mát mốc xanh mốc đỏ được gây men từ dịch vị trong dạ dày của một con ngựa non còn bú sữa mẹ. Nhưng suy cho cùng thì nó rất lành vì không có một thứ hóa chất nào cho vào đấy cả. Làm tương cũng thế, tất cả phải nhờ vào một thứ vi khuẩn hiếu khí, hiếu sáng, hiếu nhiệt độ… để lên men mà thành. Tương trở thành một thói quen ẩm thực, một nét văn hóa trong ăn uống của người Việt. Ai đã ăn được tương thì cả đời không quên, ai không ăn được thì suốt cả đời không bao giờ dùng đến.
Họ đòi được ăn… tương. Thì đành cũng phải chiều họ thôi. Trước khi mang ra cứ ngài ngại thế nào ấy. Không ngờ rất nhiều người nước ngoài thích ăn tương. Có người còn dùng nó như một thứ nước sốt để trộn vào các món ăn do vợ tôi làm. Họ ăn nhiều và rất ngon lành. Trò chuyện và ăn uống, trước khi chia tay, họ nói họ đã tìm ra được một điều gì đó trong một ngôi làng cổ. Tôi bảo họ, có lẽ với các ngài đó là một chương trình discovery (khám phá) về Việt Nam.