CôngThương - Điện trong cấu thành giá không cao
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, năm 2010, nếu tính chênh lệch giữa giá bán điện bình quân cho các hộ sản xuất thép so với giá thành sản xuất điện, ngành điện đang phải bù lỗ 2.547 tỷ đồng. Tính riêng các nhà máy sản xuất thép có vốn đầu tư nước ngoài, số tiền chênh lệch mà ngành điện phải bù là 506 tỷ đồng. Bộ Tài chính từng đề nghị tăng thuế xuất khẩu phôi và sản phẩm thép, vì cho rằng, lợi nhuận của ngành thép có được là từ giá điện thấp, khoảng 10-15 USD/tấn (từ 214.000 - 321.000 đồng/tấn) tùy theo công nghệ tiên tiến hay lạc hậu.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã phản bác lại ý kiến trên, đồng thời cho rằng, giá điện trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, giá điện trong cấu thành giá sản phẩm thép cán xây dựng chỉ chiếm 0,77-1,11%; trong ống thép hàn là 0,62- 0,89%; thép mạ kim loại và sơn phủ màu là 0,65- 0,95%; thép cán nguội là 0,91- 1,3%.
Do đó, lãi trong sản xuất và xuất khẩu thép không hoàn toàn do giá điện thấp mang lại, kể cả khi tính đủ giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị.
VSA cho rằng, trong sản phẩm thép, sản xuất phôi tiêu hao năng lượng lớn nhất, khoảng 600 kWh/tấn, các sản phẩm khác tiêu hao chỉ từ 100- 200 kWh/tấn. Ông Phạm Chí Cường cho biết, sau thời gian ồ ạt đăng ký đầu tư vào ngành thép, đến nay dự án Thép Vinashin - Lion Group (Malaysia) đã bị rút giấy phép, dự án Thép Quảng Liên (Dung Quất) do Tập đoàn E-United đầu tư 90% vốn và Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư 10% vốn, cũng đang tìm cách rút… Hiện chỉ còn dự án Formusa Hà Tĩnh do Tập đoàn Formusa (Đài Loan) đầu tư 100% vốn, đang san lấp mặt bằng. Vì thế, nói thu hút các dự án thép do giá điện của Việt Nam rẻ là “oan” cho ngành thép.
“Giải oan” cho ngành thép, ông Cường đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo ngành điện tính đủ giá thành theo cơ chế thị trường, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) thép cải tiến thiết bị, công nghệ, giảm tiêu hao điện năng, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thép ở trong và ngoài nước.
Tiết kiệm, giải pháp sống còn
Thực tế, điện trong cơ cấu giá thành thép không cao, nhưng hiện nay với 65 dự án sản xuất gang thép, công suất mỗi năm từ 100.000 tấn trở lên, hàng năm, các DN thép tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh điện. Để luyện được 1 mẻ thép, trung bình DN mất khoảng 90-180 phút (trên thế giới là 45-70 phút),
tiêu hao điện từ 550-690 kWh/tấn. Đây là con số rất lớn, chiếm 6% tổng tiêu thụ năng lượng ngành công nghiệp.
Tiết kiệm điện để tiết giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thép, giảm căng thẳng nguồn điện là giải pháp cấp bách đối với các DN thép. Bởi theo ông Cường: “Điều quan trọng nhất đối với sản xuất thép là nguồn điện phải liên tục ổn định. Điện cho sản xuất không ổn định, gây tổn hại lớn hơn nhiều so với tăng giá điện”.
Với quan điểm đó, nhiều DN ngành thép đã chủ động ứng dụng công nghệ nhằm giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Về đầu tư các lò điện, trước đây chỉ Công ty Hòa Phát có 2 lò, công suất 20 tấn/mẻ, thì hiện nay các DN chủ yếu đầu tư các lò có công suất 120 tấn/mẻ.
Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) đã đầu tư chiều sâu, cải tạo các thiết bị, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, tổ chức sắp xếp lại sản xuất, để giảm tiêu hao năng lượng, tăng hiệu quả sản xuất. VNSTEEL đã loại bỏ các lò điện có dung lượng nhỏ hơn 10 tấn; tổ chức sản xuất 2 ca (10 giờ/ca) vào các giờ thấp điểm và bình thường; dành giờ cao điểm để kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị… Các giải pháp này đã giúp VNSTEEL giảm tiêu thụ gần 20% nhiên liệu.
Áp dụng giải pháp sử dụng khí thải sấy thép phế liệu cũng đã giúp Công ty Thép miền Nam giảm 30 kWh điện năng/tấn sản phẩm. Công ty đã chuyển đổi nhiên liệu lò nung phôi thép công suất 80 tấn/giờ từ đốt dầu FO sang đốt khí tự nhiên CNG, chi phí nhiên liệu cán thép giảm trên 110.000 đồng/tấn… Đầu tư công nghệ hiện đại đã giúp DN thép giảm tiêu hao điện năng từ 600 kWh xuống 300 kWh/tấn sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ hiện nay mới dừng lại ở một số DN lớn, bởi giải pháp này cần lượng vốn lớn. Ngoài ra, năng lực của bản thân các DN thép cũng là rào cản cho ứng dụng công nghệ, bởi hiện nay nhiều DN thép có công suất nhỏ (100.000- 300.000 tấn/năm), trong khi công nghệ tiên tiến được áp dụng cho các lò luyện có công suất tương đối cao (500.000 tấn/năm) trở lên. Theo ông Cường, việc đầu tư công nghệ để tiết kiệm năng lượng là cần thiết. Tuy nhiên, hầu hết các DN ngành thép là vừa và nhỏ, vốn hạn chế. Vì vậy, việc DN đầu tư, cải tiến công nghệ cần có thời gian và sự chuẩn bị chứ không thể triển khai trong một sớm, một chiều.