Khách hàng vay tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính nói chung, vay tiêu dùng nói riêng |
Hiện nay, dịch vụ cho vay tiêu dùng đang trở thành mảnh đất màu mỡ đối với các tổ chức tín dụng. Trước những băn khoăn của người tiêu dùng về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, đặc trưng của các khoản vay tiêu dùng là các khoản vay có giá trị nhỏ, thời hạn ngắn, gắn liền với mục đích mua hàng hóa và dịch vụ. Trong đó, các khoản vay tiêu dùng được cung cấp bởi các công ty tài chính thường hướng đến phân khúc khách hàng là những người có điểm tín dụng thấp, những người không đủ điều kiện đi vay tại các ngân hàng thương mại, chưa có lịch sử tín dụng hoặc có mức thu nhập thấp hơn.
Để có thể cho vay nhóm đối tượng như vậy, rủi ro của các công ty tài chính là rất lớn. Đồng thời chi phí để quản trị đối với các khoản vay nhỏ tính trên dư nợ cho vay cũng lớn hơn so với các khoản vay giá trị lớn. Do đó, lãi suất cho vay của công ty tài chính cần đủ để bù đắp được rủi ro và chi phí mà họ bỏ ra và thông thường là cao hơn so với lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, việc so sánh giữa lãi suất cho vay tiêu dùng và lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh để nói rằng lãi suất cho vay tiêu dùng cao là điều khá khập khiễng. Thực tế cần phải nhìn nhận từ sự phát triển của thị trường, đánh giá từ cả phía cung và phía cầu để tìm được điểm cân bằng của thị trường, từ đó sẽ có được mức lãi suất hay là mức giá cả hợp lý.
Lý giải nguyên nhân khiến lãi suất cho vay tiêu dùng cao, bà Hiền cho rằng, nguyên nhân cơ bản nhất là do bản chất của hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó có các chi phí để hình thành khoản vay như chi phí vốn, chi phí quản lý, chi phí thu hồi nợ… Trong khi các ngân hàng thương mại thường sử dụng tiền gửi của dân cư để cho vay thì các công ty tài chính phải sử dụng vốn vay từ các tổ chức, các ngân hàng thương mại, họ không được phép huy động tiền gửi từ dân cư, và việc sử dụng nguồn vốn vay như vậy có thể làm tăng đáng kể chi phí vốn đầu vào của các công ty tài chính.
Hơn nữa, đối tượng vay (thường là những khách hàng không đủ điều kiện để tiếp cận với những khoản vay của ngân hàng), tính chất khoản vay (thường là những khoản vay có giá trị nhỏ), khiến cho các công ty tài chính phải đối mặt với nhiều rủi ro trong kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải bỏ ra nhiều chi phí hơn để bù đắp rủi ro. Cùng với đó là chi phí về hệ thống quản trị, con người… để thực hiện quản trị rủi ro phù hợp.
Ngoài ra, với đặc thù của thị trường Việt Nam, lãi suất cho vay tiêu dùng hay lãi suất cho vay nói chung chịu tác động khá lớn từ mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô kém ổn định, lạm phát gia tăng khiến cho mặt bằng lãi suất tăng lên, và đương nhiên, điều đó cũng sẽ kéo theo lãi suất cho vay tiêu dùng tăng lên.
Trên thực tế, bản thân các công ty tài chính cũng nhận biết lãi suất là một trong những công cụ cạnh tranh của mình nên sẽ có xu hướng đưa lãi suất xuống mức thấp nhất có thể để thu hút khách hàng vay, tuy nhiên, mức lãi suất đó cũng chỉ có thể thấp đến mức sao cho đảm bảo bù đắp được các chi phí trong quá trình hoạt động và duy trì lợi nhuận cho công ty.
Khẳng định cho vay tiêu dùng rủi ro cao, đương nhiên sẽ đi kèm với lãi suất cho vay cao, bà Nguyễn Thị Mùi, một chuyên gia khác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cho rằng, vấn đề này cần phải có những giải pháp hữu hiệu từ các phía để bảo đảm quyền lợi cho cả tổ chức tín dụng lẫn khách hàng vay tiêu dùng.
Cụ thể, theo bà Mùi, đối với Ngân hàng Nhà nước, cần nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, đi đôi với việc giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm những quy định về cho vay tiêu dùng, ngăn chặn “biến thái” vay tiêu dùng mang dáng dấp của cho vay nặng lãi. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho việc phát triển dịch vụ đối với các công ty tài chính, ngân hàng thương mại về chất lượng và giá dịch vụ.
Đối với công ty tài chính, cần tư vấn cho khách hàng vay đầy đủ, trung thực những thông tin về khoản vay, lãi suất cho vay, cách tính lãi, thời gian tính lãi, phí trả nợ trước hạn, mức phạt khi các bên vi phạm hợp đồng.
Về phía khách hàng vay tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết về những kiến thức cơ bản như dịch vụ tài chính nói chung, vay tiêu dùng nói riêng. Trước khi đặt bút ký vào đơn đề nghị vay kiêm hợp đồng vay vốn, khách hàng nên hiểu rõ từng điều khoản, cũng như những điều kiện ràng buộc do bên cho vay đưa ra.