Làm chính sách xã hội, tuyệt đối không vì “lợi ích nhóm”
Trong dự thảo Văn kiện Đại hội, bên cạnh những thành tựu đạt được, dự thảo cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, trong đó nêu rõ nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới. Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ.
Người dân cần cuộc sống tốt đẹp về cả vật chất lẫn tinh thần
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý phát triển xã hội ở nước ta trong dự thảo Văn kiện Đại hội XII, PGS.TS Trần Hậu, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận nhận định, đây là vấn đề cả xã hội đang quan tâm vì nó liên quan đến chất lượng cuộc sống của mỗi người dân.
“Một nền kinh tế phát triển nhanh, thu nhập bình quân đầu người cao là cần thiết, nhưng chưa hẳn đã mang lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp về cả vật chất lẫn tinh thần, nếu như chính sách xã hội và công tác quản lý phát triển xã hội không tốt, không đảm bảo được sự bình đẳng, tiến bộ và công bằng xã hội”- PGS.TS Trần Hậu nói.
PGS.TS Trần Hậu |
Dẫn lời Bác Hồ dạy “nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập còn có ý nghĩa gì?”, PGS.TS Trần Hậu cho rằng, quan điểm này cần được khắc sâu vào báo cáo Đại hội Đảng XII. Dựa theo tinh thần này để kiểm điểm tình hình đời sống nhân dân thì thấy tuy có nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, có lỗi với dân.
“Chủ trương, phương hướng về công tác quản lý phát triển xã hội trong nhiệm kỳ tới cần đặt ra một cách quyết liệt hơn, vì sự bức xúc trong các tầng lớp nhân dân đang kỳ vọng được Đại hội lần này tháo gỡ. Những hiện tượng xung đột, bất thường, thường xuyên xảy ra trong xã hội là dấu hiệu báo động không thể xem thường. Nếu để kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Do đó, không nên đơn giản hóa các vấn đề xã hội và thể hiện một cách bình thường và dàn trải như trong dự thảo Văn kiện”- PGS.TS Trần Hậu nói.
Làm chính sách, tuyệt đối không vì “lợi ích nhóm”
Theo PGS.TS Trần Hậu, quản lý phát triển xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường phải nhằm vào mục tiêu giải quyết trên thực tế những nhu cầu thiết thực trong đời sống của người dân như ăn, mặc, đi lại, ở, học hành, chữa bệnh, vệ sinh môi trường, đời sống văn hóa tinh thần, an ninh xã hội… Các chính sách xã hội cần được rà soát kỹ trong quá trình soạn thảo, xuất phát từ thực tế đời sống của dân, bảo đảm nguyên tắc công bằng, tiến bộ, bình đẳng xã hội tránh chủ quan duy ý chí và tuyệt đối không vì “lợi ích nhóm”.
PGS.TS Trần Hậu cũng cho rằng, việc tổ chức thực hiện các chính sách xã hội cần sâu sát, cụ thể, nhất là phải có các chế tài ràng buộc trách nhiệm. Trong đó cần có chế tài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dan khi những quyền lợi của họ bị xâm phạm. “Hiến pháp nước ta đã quy định MTTQ Việt Nam là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, trước hết là quyền lợi của dân về các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nhà nước cần thể chế hóa Hiến pháp để MTTQ Việt Nam có thể thực hiện được vai trò đại diện của mình”.
Theo PGS.TS Trần Hậu, cuộc sống hàng ngày của người dân đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải được giải quyết, nhưng nhiều chính sách và pháp luật về quản lý xã hội vừa thiếu, vừa không nhất quán, vừa không đến được với dân. “Họ phải tự lo xử lý các vấn đề theo cách của họ, dẫn đến tình trạng mất trật tự, gây tác hại cho xã hội, làm rạn nứt khối đại đoàn kết trong dân cư, mất ổn định xã hội. Do đó cần phải rà soát lại các chính sách hiện có, bỏ đi những gì lạc hậu, bổ sung những chính sách mới trên cơ sở khảo sát thực tế và lắng nghe ý kiến dân, không phụ thuộc vào “nhóm lợi ích”.
Cùng với đó, cần phải làm cho dân hiểu được các chính sách đó thông qua hoạt động tích cực của hệ thống chính trị ở cơ sở và phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Giải quyết tốt vấn đề quản lý phát triển xã hội chính là xây dựng cơ sở cho sự phát triển bền vững của kinh tế nói riêng và cả đất nước nói chung./.