Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) là giấy tờ quan trọng đối với người lao động, trong đó ghi nhận quá trình tham gia bảo hiểm của họ. Sau khi nghỉ việc thì công ty cũ phải chốt sổ BHXH và trả lại cho người lao động. Vậy làm thế nào để biết sổ BHXH của mình đã được chốt hay chưa?
1. Làm sao biết sổ BHXH đã được chốt hay chưa?
Để biết sổ BHXH của mình được được chốt hay chưa, người lao động có thể thực hiện theo một trong ba cách sau đây:
Cách 1: Xem ở tờ rời được cơ quan BHXH cấp
Nếu sổ BHXH của mình đã được chốt thì trên tờ rời sẽ có dòng chữ: “Tổng thời gian tham gia BHXH là …năm”
Cách 2: Tra cứu qua Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, theo địa chỉ: //baohiemxahoi.gov.vn/
Cụ thể các bước để có thể dễ dàng tra cứu:
Bước 1: Truy cập vào đường link trên và chọn mục Tra cứu.
Bước 2: Người tra cứu cần thực hiện nhập các thông tin cần thiết vào các ô theo yêu cầu. Trong đó:
Người tra cứu thông tin cần chọn chính xác tên, tỉnh thành nơi cơ quan bảo hiểm mà mình tham gia tại các thanh tùy chọn.
Đồng thời, nhập khoảng thời gian tương ứng mà người cần tra cứu đã tham gia BHXH tại đơn vị đó, hoặc nhập toàn bộ thời gian tham gia BHXH cho đến nay.
Tại phần thông tin cá nhân, cần điền đầy đủ các thông tin gồm: CMND, họ và tên của người cần tra cứu, tên được viết có dấu hoặc không dấu, hãy nhấn vào tùy chọn ngay bên dưới. Đồng thời nhập chính xác mã số BHXH tại ô tương ứng.
Nhập chính xác số điện thoại mà mình có thể nhận được tin nhắn để nhận mã số OTP mà dịch vụ Chăm sóc khách hàng BHXH gửi về.
Bước 3: Tích chọn vào ô “tôi không phải người máy” để tiến hành xác minh các thông tin, sau đó nhấn chuột vào mục “Lấy mã OTP”.
Mã xác thực OTP sẽ được BHXH gửi về số điện thoại mà mình đã đăng ký. Khi thông tin được nhập đầy đủ thì hệ thống sẽ tự động xuất hiện thêm phần Nhập mã OTP trên màn hình.
Bước 4: Nhập mã OTP và Tra cứu thông tin BHXH.
Điền mã xác thực được gửi về trong tin nhắn vào ô “ Nhập mã OTP” (trong khoảng thời gian 240s kể từ khi nhận được tin nhắn), nhấn chọn nút “Tra cứu” để bắt đầu quá trình tra cứu xem sổ BHXH của mình đã được chốt hay chưa.
Cách 3: Tra cứu sổ BHXH đã chốt chưa bằng ứng dụng VssID
Trên ứng dụng VssID sẽ ghi nhận đầy đủ thông tin về quá trình tham gia BHXH của mình theo tháng để người lao động có thể theo dõi chi tiết được việc đóng BHXH của mình.
2. Người lao động tự chốt sổ BHXH được không?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phải:
Phối hợp với cơ quan BHXH để thực hiện trả sổ BHXH cho người lao động, đồng thời xác nhận tổng số thời gian đã tham gia đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với đơn vị hoặc thôi việc theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 có quy định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
Hoàn thành thủ tục xác nhận tổng số thời gian tham gia đóng BHXH và trả lại cho người lao động cùng với bản chính của các giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đang giữ của người lao động.
Như vậy, theo quy định trên thì việc chốt sổ BHXH là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Do đó, người lao động sẽ không thể tự chốt sổ BHXH với cơ quan BHXH.
3. Thời gian chốt sổ BHXH bao lâu?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 thì trong vòng 14 ngày làm việc tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải thực hiện thủ tục chốt bảo hiểm xã hội và trả sổ BHXH cho người lao động, trừ trường hợp dưới đây thì có thể kéo dài thời gian chốt sổ nhưng không được quá 30 ngày, cụ thể:
- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân thực hiện việc chấm dứt hoạt động;
- Người sử dụng lao động có sự thay đổi về cơ cấu, công nghệ hoặc vì các lý do về kinh tế;
- Người sử dụng lao động thực hiện chia/tách/hợp nhất/sáp nhập doanh nghiệp; bán/cho thuê/chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu/quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp/hợp tác xã;
- Vì lý do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, hỏa hoạn hoặc địch họa.
Như vậy, trong điều kiện bình thường, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải hoàn tất việc chốt sở BHXH và trả lại sổ cho người lao động trong vòng 14 ngày làm việc từ khi chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp nào phải chốt sổ BHXH?
Chốt sổ BHXH là việc ghi lại quá trình đóng BHXH trên sổ BHXH của người tham gia khi dừng đóng BHXH tại một đơn vị nào đó. Thủ tục này được thực hiện khi người lao động không còn làm việc ở đơn vị đó nữa hoặc khi đơn vị đó ngừng hoạt động.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.