Trà Vinh đưa hàng Việt đến người tiêu dùng nông thôn Mở rộng thị trường, gia tăng nội lực hàng Việt Hà Nội: 150 gian hàng tham gia Lễ hội Thương hiệu sản phẩm thời trang Việt năm 2024 |
Để thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Nghệ An đã xây dựng Kế hoạch 368/KH-UBND ngày 6/7/2021 nhằm phát triển thị trường trong nước theo Quyết định 386/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cũng đã triển khai Kế hoạch 08/KH-UBND ngày 6/1/2023 và Chương trình hành động số 01/CT/BCĐ ngày 9/9/2022 để tiếp tục thúc đẩy Cuộc vận động này. Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức của người dân về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt, khuyến khích họ sử dụng hàng Việt Nam, tỉnh đã tổ chức các chương trình truyền hình, bản tin chuyên ngành, và các hội nghị tập huấn để phổ biến chính sách của các sở, ngành đến cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và làng nghề. Tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất mở rộng thị trường bằng cách tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, và đưa các đoàn doanh nghiệp tham gia hội nghị tại các tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh... Nhờ đó, các sản phẩm nổi bật của tỉnh, bao gồm sản phẩm công nghiệp nông thôn, OCOP, và nông sản, đã tiếp cận được các nhà phân phối, hệ thống siêu thị bán lẻ và cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại khu vực nông thôn và miền núi, nhằm đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 124/403 sản phẩm OCOP, 96/223 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã vào được hệ thống các chuỗi cung ứng như MM Mega Market, Lotte, Bách hóa Xanh... và hệ thống các cửa hàng thực phẩm. Tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ cung cấp thông tin và đưa các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm tiêu biểu như OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn của địa phương lên sàn thương mại điện tử 37nghean.com. Hiện tại, hơn 470 doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn đã tham gia, với tổng cộng 7.653 sản phẩm được đưa lên sàn, thu hút hơn 9,2 triệu lượt truy cập. Với kết quả này, Nghệ An hiện đứng thứ 5 trong cả nước về số lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được giới thiệu trên sàn giao dịch điện tử. Còn tại tỉnh Bạc Liêu, nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cán bộ đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh hiểu rõ việc tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ năm 2021-2024, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và Sở Công Thương quan tâm và thực hiện thường xuyên, với nhiều nội dung để triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng năm, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức xây dựng Kế hoạch, phối hợp làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, khơi dậy tinh thần của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức; tăng cường hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”... Sở Công Thương Bạc Liêu đã phối hợp thực hiện hiệu quả với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 24 Hội nghị với 1.680 đại biểu tham gia, tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường như: Tạo “cầu nối” giữa nhà sản xuất, nhà phân phối với người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận hàng Việt Nam giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”;… Do đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo Nhân dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Còn tại Thừa Thiên Huế, những năm gần đây, triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương trên địa bàn đã tập trung tích cực đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới người dân, người tiêu dùng của tỉnh và thực hiện nhiều hoạt động triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước. |
Hàng năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đều giao Sở Công Thương xây dựng kế hoạch và triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng Điểm bán hàng Việt, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, tổ chức các chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại, Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 hàng năm, Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 hàng năm, chương trình phát động Tháng bán hàng khuyến mãi tập trung hàng năm. Ngoài ra, hàng năm Sở Công Thương đều tổ chức tập huấn xúc tiến thương mại điện tử cho hàng chục đơn vị với nội dung “Giải pháp xúc tiến thương mại từ truyền thống đến thương mại điện tử”; tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng bán hàng Việt cho các hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh. Việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từng bước đem lại hiệu quả thiết thực. Người dân nơi đây đã ưu tiên mua sắm hàng hoá Việt; doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư, cải tiến mẫu mã, giá cả hợp lý. Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế - chia sẻ, trên địa bàn tỉnh, hàng Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, nhất là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Gần đây, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại các siêu thị và kênh phân phối hiện đại với tỷ trọng hàng Việt Nam bán tại đây lên đến 80-90%. Song song với công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương cũng đẩy mạnh công tác kết nối cung cầu hàng Việt. Như tại Đồng Nai, hàng năm, tỉnh đều tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại trong tỉnh, ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tìm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua các đợt xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp, HTX ở Đồng Nai đã trở thành đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau và cùng tham gia vào chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Kết nối giao thương cũng là cách để hàng Việt nâng thị phần trong các kênh phân phối tại thị trường trong nước. Còn tại Thừa Thiên Huế, các cơ quan chức năng địa phương luôn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Hướng đến tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lợi thế, sản phẩm OCOP của địa phương đến người tiêu dùng. Mới đây nhất (ngày 17/9/2024), tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành; đây là nơi kết nối giao thương giữa nhà cung cấp và nhà phân phối trong và ngoài tỉnh. Kết quả, tại Hội nghị, 40 cặp biên bản ghi nhớ đã được ký kết, trong đó có 29 cặp là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh và yêu cầu chất lượng hàng hóa ngày càng cao, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các địa phương đã trở thành "đòn bẩy" khơi dậy niềm tin và tinh thần tự hào dân tộc. Những nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp và đổi mới phương thức tuyên truyền của cơ quan chức năng đã giúp hàng Việt chiếm lĩnh thị trường địa phương, khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng. Theo ước tính, hiện nay thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini và sàn thương mại điện tử tại nhiều địa phương chiếm hơn 85%. Trong khi đó, tại các kênh phân phối truyền thống như chợ và cửa hàng tạp hóa, tỷ lệ này đạt khoảng 80%. Khoảng 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp đã biết đến các chương trình nhận diện hàng Việt Nam qua các chiến dịch “Tự hào hàng Việt Nam” và “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều địa phương cho hay, việc triển khai Cuộc Vận động vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định. Theo đó, công tác tuyên truyền ở một số nơi chưa được triển khai sâu rộng, và một bộ phận người tiêu dùng vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng ngoại nhập. Việc các doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và tham gia các hội chợ triển lãm còn hạn chế. Ngoài ra, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là đưa hàng Việt đến các vùng nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa, vẫn còn hạn chế. Thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương các địa phương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Hỗ trợ đào tạo, tập huấn về công tác bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước tại địa phương; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động. Đồng thời, đẩy mạnh thương mại điện tử nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường thiết yếu, kết nối hàng Việt, doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, xử lý các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi Người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia Hội chợ với chủ đề “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đưa về thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp, nhà phân phối; kịp thời cung cấp thông tin thị trường, chất lượng hàng hóa Việt Nam để cho người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hàng hóa Việt Nam sản xuất”. Ông Tô Minh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu - cho biết, Sở sẽ đẩy mạnh quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của vùng đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung - cầu hàng hóa. Cùng với đó, phối hợp các doanh nghiệp, các nhà phân phối đưa hàng Việt có chất lượng đến tay người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên để tiếp tục hưởng ứng, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững trong giai đoạn mới”. Còn theo ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền nhằm giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ thương hiệu Việt chất lượng cao, cũng như các doanh nghiệp uy tín để người tiêu dùng có đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ Việt trên thị trường. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên liệu, vật liệu và các dịch vụ của nhau, cũng như ưu tiên tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam. |
Ngoài ra, sẽ tập trung phát triển hệ thống phân phối hàng hóa bền vững, ưu tiên các sản phẩm Việt Nam và đặc sản địa phương. Theo đó, sẽ xây dựng và nhân rộng các điểm bán hàng Việt Nam mang tên “Tự hào hàng Việt Nam” và “Tinh Hoa hàng Việt Nam,” đồng thời tiếp tục triển khai các phiên chợ hàng Việt tại nông thôn và miền núi, kêu gọi các doanh nghiệp tổ chức chương trình khuyến mãi hàng Việt trên địa bàn;…. Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu để UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh với nhiều hoạt động như khảo sát thị trường, tổ chức hoạt động xúc tiến về thị trường nông thôn, khu công nghiệp; xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống chợ truyền thống và các hợp tác xã bán hàng Việt.
|
|
Nguyễn Hạnh Đồ họa: Hồng Thịnh |