Hoạt động của các làng nghề gỗ sụt giảm nghiêm trọng
Đồng Kỵ (Bắc Ninh) là một trong những làng nghề gỗ truyền thống nổi tiếng nhất của cả nước. Với khoảng 1.500 hộ gia đình tham gia sản xuất đồ gỗ phục vụ tiêu dùng nội địa, hiện toàn bộ hệ thống cửa hàng bán đồ gỗ trong địa bàn, hệ thống chợ gỗ cung cấp gỗ nguyên liệu cho các làng nghề gỗ, bao gồm cả Đồng Kỵ và các làng nghề gỗ gần với Đồng Kỵ hiện phải đóng cửa. Không có đầu ra, hoạt động của các làng nghề bị co hẹp nghiêm trọng. Theo ông Vũ Quốc Vương- Chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ- cho biết, hoạt động sản xuất của các hộ tại địa bàn chỉ sụt giảm khoảng 80% so với thời điểm trước dịch….
Làng nghề gỗ: Chuyển hướng bán hàng online thích ứng với dịch Covid- 19 |
Giảm mạnh quy mô sản xuất cũng là tình trạng chung ở các làng nghề khác của Hà Nội. Trước dịch, có khoảng trên 2.500 hộ tại Hữu Bằng tham gia vào sản xuất đồ gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30% so với trước dịch.
Ông Nguyễn Phi Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Bách Việt - đơn vị chuyên sản xuất giường, tủ, bàn ghế cho thị trường nội địa (làng nghề gỗ Liên Hà, huyện Đan Phượng) - cho biết: Đơn hàng bị ảnh hưởng nhiều so với trước khi dịch xảy ra… do dịch các cửa hàng đóng cửa và chỉ đạo của Thủ tướng về cách ly xã hội.
Còn theo ông Nguyễn Phúc Thắng- Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Vàng Nam Á (đơn vị chuyên sản xuất sàn gỗ kỹ thuật sàn gỗ kỹ thuật và sàn gỗ tự nhiên phục vụ thị trường nội địa) - cho biết toàn bộ hệ thống bán hàng của Công ty qua kênh các đại lý nhỏ hầu như đã ngừng hoạt động, với kim ngạch chỉ còn khoảng 10% so với thời điểm trước dịch.
Cầu tại các công trình dân sinh và dự án thu hẹp
Đại dịch cũng làm cầu các mặt hàng gỗ xây dựng như sàn gỗ, cầu thang, cửa tại các công trình dân sinh, khách sạn, khu đô thị… giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Phúc Thắng, các hoạt động tại các công trình dân sinh (nhà dân) gần như đã bị dừng, vì người dân không dám cho Công ty thực hiện các hoạt động thi công trong thời gian cách ly xã hội. Một số hộ gia đình ngừng hoạt động mua sàn, hoặc mua nhưng chưa triển khai thi công, đợi đến hết giai đoạn dịch.
"Hiện Công ty đang thực hiện 4 dự án lớn, bao gồm 3 công trình tại khách sạn năm sao và 1 khu đô thị. Tuy nhiên, các hoạt động của Công ty tại 3 khách sạn năm sao đang bị tạm dừng, mặc dù Công ty đã ký hợp đồng. Lý do bởi chủ đầu tư đang khó khăn, không có nguồn thu do dịch bệnh. Công ty hiện chỉ đang thực hiện dự án tại khu đô thị", ông Thắng nói.
Do kết hợp nhiều kênh cung hàng gồm: bán hàng qua hệ thống đại lý (bán lẻ, bán buôn); thực hiện các hợp đồng theo các công trình (và xuất khẩu). Lượng sản phẩm tiêu thụ qua kênh bán lẻ và bán buôn nhỏ (20% trong tổng lượng cung sản phẩm của Công ty), do vậy, công ty không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi bệnh dịch Covid- 19, doanh thu của Công ty chỉ sụt giảm 20% so với trước thời điểm dịch. Tuy nhiên, theo ông Thắng, đối với các công ty tập trung vào phân khúc thị trường bán buôn, bán lẻ thì doanh thu có thể sụt giảm tới 90%.
Chuyển hướng kinh doanh online, gỡ khó thời dịch Covid- 19
Trước những khó khăn về đầu ra sản phẩm do dịch Covid- 19, một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình tại các làng nghề bắt đầu chuyển đổi sang hình thức bán hàng online. Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ hiện nay đã thành lập nhóm trên zalo,viber và facebook, bao gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào, với ít nhất 179 thành viên đang tham gia vào các nhóm bán hàng này. Các thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ các mặt hàng mà hộ mình làm ra, chào giá bán trên nhóm và nhờ các thành viên trong nhóm kết nối với người mua có nhu cầu.
Sáng kiến thành nhập nhóm và bán hàng qua mạng cũng xuất hiện tại làng nghề Hữu Bằng. Theo ông Nguyễn Duy Khiêm - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát (làng nghề Hữu Bằng)- chia sẻ, hiện Công ty hiện tại hoạt động chủ yếu theo phương thức bán hàng online, qua zalo, viber và sản xuất theo các đơn đặt hàng theo các kênh đặt hàng trên các nhóm này.
Sự đứt gãy trong các chuỗi cung xuất khẩu do các hạn chế về cách ly xã hội cho thấy một yêu cầu hết sức cấp bách của ngành gỗ trong việc chuyển đổi phương thức bán hàng theo cách truyền thống (offline) theo hình thức bán hàng online. Đây cũng là xu hướng trong thương mại toàn cầu hiện nay.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ offline sang online của các làng nghề gỗ hiện nay mới mang tính chất tình thế. Đối với các làng nghề gỗ, các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, để chuyển đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang hình thức online đòi hỏi cần phải có những thay đổi căn bản về dòng sản phẩm, trình độ quản trị doanh nghiệp và tay nghề của người lao động, và phát triển cơ sở hạ tốt nhằm thực hiện các giao dịch online.
Cụ thể, các mặt hàng bán qua hình thức online thông thường là các mặt hàng đơn giản, thuộc nhóm mặt hàng người mua tự lắp ráp, với mức giá bình dân hoặc rẻ, phục vụ nhóm khách hàng thu nhập trung bình hoặc thấp. Ít nhất trong ngắn hạn, hình thức bán hàng online đối với các dòng sản phẩm phức tạp (sản phẩm high-end), không thể tháo rời, có mức giá cao, phục vụ nhóm khách hàng thu nhập cao vẫn chưa có khả năng phát triển. Lý do bởi các dòng sản phẩm này thường có sự lựa chọn kỹ lưỡng của người mua và hình thức bán hàng online chưa cho phép thực hiện được việc này. Các chuyên gia cho rằng, hãy bắt đầu từ các sản phẩm đơn giản trước, sau đó đi vào các sản phẩm phức tạp. Bên cạnh đó, cũng cần có những thay đổi căn bản trong bản thân doanh nghiệp, đặc biệt trong khâu thiết kế.
Chuyển đổi phương thức bán hàng sang hình thức online cũng đòi hỏi một nền tảng công nghệ phát triển, cho phép các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi. Chính phủ cần cung cấp nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nền tảng công nghệ này. Đây cần được coi là cơ sở hạ tầng cần ưu tiên phát triển nhằm thúc đẩy mở rộng thương mại. Bên cạnh đó, Chính phủ và các Hiệp hội cũng cần đẩy mạnh khâu truyền thông nhằm chỉ ra xu hướng thương mại online này cho các doanh nghiệp trong ngành, từ đó giúp cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thay đổi cần thiết, nhằm đáp ứng với các yêu cầu mới.