Cụ thể, kể từ 1/1/2024, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu tại Hà Nội chính thức quay trở lại 12% theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ về lệ phí trước bạ. Bên cạnh đó, các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La và Cần Thơ cũng áp dụng cùng mức thu lệ phí trước bạ 12% trên giá bán lẻ.
Lệ phí trước bạ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tăng từ 10 - 12% |
Mức thu lệ phí trước bạ 10% được áp dụng tại TP. HCM và các tỉnh, thành phố còn lại. Duy nhất tỉnh Hà Tĩnh áp dụng mức thu lệ phí trước bạ 11%.
Những thay đổi về chính sách lệ phí trước bạ không áp dụng đối với mặt hàng ô tô thuần điện chạy pin. Bởi loại hình phương tiện này đã được miễn hoàn toàn lệ phí trước bạ kể từ ngày 1/3/2022 và áp dụng trong vòng 3 năm theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Trước đó, từ 1/7 - 31/12/2023 mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ theo quy định tại Nghị định số 41/2023/NĐ-CP của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ được Chính phủ áp dụng nhằm gỡ khó cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong nửa cuối năm 2023 được nhận định là phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của Chính phủ cũng đã giúp gỡ khó đáng kể của các doanh nghiệp ô tô trong nước. Nhờ các mức lệ phí trước bạ ưu đãi theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP của Chính phủ, tổng sản lượng sản xuất ô tô CKD của Việt Nam ước đạt 347.400 chiếc, chỉ giảm 12,3% so với năm 2022, tức thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ sụt giảm sức mua chung của toàn thị trường.
Tuy nhiên, lợi thế về chính sách của mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã bắt đầu mất đi kể từ đầu năm 2024, qua đó cân bằng khả năng cạnh tranh với các loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.