Các nghệ nhân và diễn viên biểu diễn chương II "Lời Then vọng mãi" tại Liên hoan nghệ thuật đàn Tính-hát Then lần thứ V. |
Tôn vinh nghệ nhân
Liên hoan có sự tham gia của các nghệ nhân, đoàn nghệ thuật đến từ 16 tỉnh/thành phố có đông đồng bào dân tộc Tày-Nùng-Thái sinh sống, có loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính; bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Nông, Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác cũng diễn ra trong khuôn khổ liên hoan: triển lãm ảnh với chủ đề “Di sản văn hóa Then các dân tộc Tày-Nùng-Thái Việt Nam và tỉnh Hà Giang,” tổ chức các không gian trưng bày và giới thiệu nghề dệt vải truyền thống các dân tộc Tày-Nùng-Thái, biểu diễn nghệ thuật hát Then, đàn Tính, các hoạt động du lịch trải nghiệm…
Liên hoan được tổ chức nhằm góp phần tôn vinh nghệ nhân, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày-Nùng-Thái trong đời sống đương đại.
“Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế về những nét độc đáo của nghệ thuật hát Then, đàn Tính nói riêng và hình ảnh con người, truyền thống văn hóa, tiềm năng du lịch của các địa phương tham gia liên hoan nói chung,” đại diện ban tổ chức cho biết.
Hướng đến danh hiệu di sản văn hóa thế giới
Trước đó, vào cuối tháng 3/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thay mặt Chính phủ ký hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đại diện Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, Then vừa là một loại hình nghệ thuật dân gian vừa một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày-Nùng-Thái ở Việt Nam. Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại.
Thông qua những quan niệm về Mường Trời (nơi cư ngụ của các thần linh), Mường Đất (nơi cư ngụ của con người), Mường Nước (nơi cư ngụ của Long Vương... người Tày, Nùng, Thái giải thích về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
Trong đời sống của người Tày, Nùng, Thái cổ, hát Then xuất hiện trong những sự kiện trọng đại như lễ cầu an, cầu mùa, giải hạn, gọi hồn… Người hát Then trong những dịp lễ, Tết là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.
Ở một góc độ khác, hát Then còn được nhìn nhận như một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật như văn học, âm nhạc, múa, hội họa, trình diễn…
Nhạc cụ chính sử dụng trong hát Then là đàn Tính (hay còn gọi là Tính Tẩu). Mỗi chiếc đàn Tính bao gồm hộp đàn, mặt đàn, cần đàn, đầu đàn, ngựa đàn, dây đàn và dây đeo. Đây là phương tiện giúp người hát Then giao tiếp với thần linh.
Bên cạnh đó, việc thực hành Then còn sử dụng nhiều loại đạo cụ khác như: ấn, bộ xóc nhạc, bộ gieo quẻ Âm-Dương, chuông…
Trong nghi lễ Then, lời ca có vai trò chỉ dẫn cho người xem về các hoạt cảnh, chương đoạn đang diễn ra. Âm nhạc trong Then có sự ảnh hưởng, tiếp thu các làn điệu dân ca ở từng địa phương , tạo nên sự đa dạng về màu sắc, khúc thức và tiết tấu.