Liên kết du lịch Việt Nam: Còn chậm!
Ảnh minh họa
- Nguyên nhân chính là các đối tác trong ngành còn căn ke lợi ích của mình mà chưa nhìn toàn cục, làm phương hại đến giá trị thụ hưởng của du khách, giảm chất lượng dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, các ngành phụ trợ như vận tải, khách sạn chưa thực sự muốn hợp tác với các doanh nghiệp (DN) du lịch. Không chỉ vậy, ngay giữa các DN lữ hành cũng cạnh tranh dữ dội với nhau. Theo ông Lê Quang Đạo - Phó giám đốc Công ty Tầm nhìn Việt - hiện nay, một số hãng lữ hành nội địa và outbound đã liên kết với nhau để cùng khai thác một sản phẩm. Tuy nhiên, việc liên kết còn rất ít, đa số thuộc về nhóm của những người cùng hội chơi như CLB Lữ hành Hà Nội. Hiệp hội Du lịch và các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa liên kết được các DN với nhau.
Ông Vương Tiến Hưng - Giám đốc Công ty Tân Đại Lục (TP.Hồ Chí Minh) - thừa nhận, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các dịch vụ trong chuỗi du lịch của Việt Nam tăng giá thì khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Nhưng do chi phí từ các đối tác liên kết như: Tiền ăn, khách sạn, vận tải, vé máy bay… đều tăng, khiến tổng chi phí tour bị đội lên. Các khách sạn 4-5 sao thường công bố giá trước mỗi dịp lễ, tết, nếu có tăng tối đa cũng chỉ 5-10% nên dễ tính giá tour. Bất cập ở chỗ, số khách sạn này không nhiều, giá cả cao và thường kén khách. Các khách sạn từ 3 sao trở xuống thì nhiều, đáp ứng được nhu cầu của khách nhưng thường cận ngày mới công bố giá và có lúc tăng từ 50-100%. Năm 2010, nhờ có vé máy bay kích cầu của Vietnam Airlines (giảm 50%) nên tour chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long (đi Hà Nội và miền Bắc) của nhiều DN bán rất chạy. Gần đây, Vietnam Airlines (VNA) đã dừng chương trình vé kích cầu nên các tour này cũng không bán được.
Về vấn đề này, các đối tác của ngành du lịch cũng có những lý lẽ riêng. Bà Phùng Thị Lý Hà - Phó trưởng ga Hà Nội - chia sẻ, sự phối hợp giữa ngành đường sắt và du lịch là một trong những yếu tố để phát triển. Tuy nhiên, khó khăn của ngành đường sắt hiện nay là nhu cầu tăng đột biến trong các dịp lễ, tết, hè nên rất khó đáp ứng đủ. Hiện Ga Hà Nội đã đầu tư hơn 100 toa xe mới, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách, nhưng do không nắm được thông tin và nhu cầu của ngành du lịch, nên đơn vị cũng chỉ thống kê năm trước bao nhiêu và năm sau sẽ điều chỉnh trong phạm vi 5-10%. Đại diện VNA - ông Hoàng Thanh Quý - băn khoăn về tình trạng các chuyến bay dịp cận tết Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh luôn vắng khách. Đơn cử ngày 29 tết năm vừa qua, VNA chở khách ra Hà Nội và khi trở vào TP.Hồ Chí Minh còn khá nhiều ghế trống, rất lãng phí. Kinh doanh phải mang tính cộng sinh, do vậy, VNA luôn coi ngành du lịch là đối tác lớn. Hiện đã có hơn 50 công ty du lịch thường xuyên cộng tác với VNA.
Để ngành du lịch phát triển bền vững, việc tạo liên kết giữa các DN du lịch với DN lưu trú, vận chuyển, vui chơi, khách sạn là điều hết sức cần thiết. Xây dựng được liên kết sẽ giúp DN du lịch có điều kiện giảm giá tour, nâng cao chất lượng dịch vụ. Bởi nếu giá các dịch vụ càng ưu đãi thì độ hấp dẫn của các tour càng cao. Trên thực tế, du khách có nhu cầu du lịch trong nước khá lớn, tuy nhiên, mặt bằng giá hiện nay vẫn còn cao so với một số tour gần trong khu vực như Campuchia và Thái Lan. Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông Vietravel - cần có một đầu tàu kết nối và đưa ra một chính sách nhất quán trong việc định hướng cạnh tranh nhằm mục tiêu vừa hấp dẫn du khách quốc tế đến Việt Nam, khai thác các lợi thế về điểm đến đẹp, giá hấp dẫn, vừa tạo điều kiện để du lịch trong nước bao gồm: Các nhà cung cấp dịch vụ, điểm mua sắm, làng nghề truyền thống... cùng phát triển, mang lại nguồn lợi cho cả cộng đồng.
Hoa Quỳnh