Xu hướng tất yếu là phải phát triển hệ thống phân phối đủ mạnh để điều tiết mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ.
CôngThương - Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng bình quân hơn 20%/năm, được đánh giá là một trong số thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới. Trong tương lai, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá là hấp dẫn nhờ một số yếu tố thuận lợi, như cơ cấu người tiêu dùng trẻ, thu nhập bình quân ngày càng cải thiện, hàng hóa đa dạng…
Tuy nhiên, đến nay quyền lợi của người tiêu dùng vẫn chưa được bảo đảm, bị xâm hại, với nhiều loại vi phạm khác nhau, gồm bán hàng không rõ xuất xứ; nhập nhằng về chất lượng; thiếu thông tin về giá, quy cách sử dụng; thiếu thông tin về bảo hành…
Thực tế đó đặt ra yêu cầu liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối, theo hướng tự giác thực hiện nghĩa vụ của bên sản xuất, kinh doanh đối với người tiêu dùng. Tại Hội nghị liên kết nhà sản xuất- nhà phân phối vì quyền lợi người tiêu dùng do Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu, Hội siêu thị, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hà Nội phối hợp tổ chức diễn ra ngày 15/6/2011 tại Hà Nội, đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp đã nêu lên những vấn đề về việc liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối để cùng phát triển và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.
Bà Mai Khuê Anh- Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội chia sẻ, nhà sản xuất và nhà phân phối đều đã nhận thức được rằng, liên kết là sự kết nối cả 2 bên đều có lợi.Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tính liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối chưa cao, việc đầu tư tạo nguồn hàng chưa ổn định; có mối liên kết, hợp tác cũng chưa được như mong muốn. Bởi vậy, để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp phân phối cần bắt tay nhau, bổ sung những chỗ thiếu, chỗ yếu cho nhau, cùng đảm bảo quyền lợi cho 2 bên, cùng nhau thay thế dần các mặt hàng nhập khẩu, hưởng ứng cao cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ chính trị phát động để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng.
Bà Khuê Anh cũng cho biết, trong nhiều năm qua, Hapro đã khai thác có hiệu quả từ nhiều mối quan hệ liên kết với một số tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương bằng việc ký kết các hợp đồng, các thỏa thuận hợp tác trên cơ sở tận dụng các thế mạnh của nhau, tạo cơ hội cho nhau, mang lại hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm chi phí.
Thực hiện việc liên kết giữa sản xuất và phân phối, thời gian qua, hệ thống siêu thị Big C đã thực hiện các giải pháp khá hiệu quả. Ông Nguyễn Thái Dũng- Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C cho biết, Big C đãtriển khai Chương trình « Big C cùng nhà sản xuất tìm lối ra cho sản phẩm nội » cách đây 3 năm. Trong khuôn khổ chương trình này, Big C đã tổ chức các hội thảo mang tên «Giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất địa phương» tại các tỉnh, thành nơi Big C đang hoạt động như Huế, Vinh, Nam Định... Sau mỗi hội thảo, nhiều hợp đồng thu mua có giá trị đã được ký kết, bên cạnh đó cán bộ thu mua của Big C đã chọn ra những nhà cung cấp có tiềm năng đểcùng bàn bạc hướng xúc tiến hợp tác, góp phần nâng cao vị thế cho ngành sản xuất của địa phương tại các thị trường trong và ngoài nước.
Giải pháp thứ hai của Big C là liên kết với các nhà sản xuất trong nước phát triển hàng nhãn riêng.Các sản phẩm này có mức giá rẻhơn so với các sản phẩm cùng loại do tiết kiệm các chi phí quảng cáo, chi phí tiếp thịcho sản phẩm, chi phí phân phối,...
Các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, xu hướng tất yếu hiện nay là phải phát triển hệ thống phân phối đủ mạnh để điều tiết mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ, cụ thể là nhà phân phối thu mua hàng với số lượng lớn từ nhà máy của những nhà sản xuất vào tổng kho của mình và phân phối đến hệ thống bán lẻ để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhưng việc phát triển hệ thống phân phối đủ mạnh để điều tiết được mối liên kết là không dễ thực hiện, liên quan đến các yêu cầu như : công nghệ quản lý, nguồn vốn, nhân lực và qũy đất đưa vào thực hiện, đòi hỏi các cấp, các ngành, hiệp hội,... cần vào cuộc với doanh nghiệp để gỡ rối, tháo gỡ khó khăn, từ cơ chế chính sách đến việc hỗ trợ đào tạo công nghệ quản lý, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hỗ trợ về quỹ đất,... nhằm mục đích phát triển doanh nghiệp bền vững, vì quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật như: Công an kinh tế, Quản lý thị trường cần tích cực kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi cho các nhà sản xuất chân chính cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.