CôngThương - Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, định hướng mục tiêu tổng quát về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng của Bộ Công Thương là: Huy động tối đa các nguồn lực (tài nguyên, tài chính, công nghệ, kinh nghiệm, nhân lực) từ các nước, các cá nhân, tổ chức quốc tế, để đưa ngành năng lượng Việt Nam tăng trưởng bền vững, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Định hướng hợp tác các ngành dầu khí, than, điện
Về định hướng phát triển 3 ngành: Dầu khí, than, điện - được xác định là 3 trụ cột an ninh năng lượng của đất nước - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng - Lê Tuấn Phong - cho biết: Với ngành dầu khí, lĩnh vực khai thác sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là các nước có thuận lợi về quan hệ chính trị, ngoại giao như: Nga, Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi, Đông Nam Á và các nước thuộc Liên Xô cũ. Triển khai tích cực các dự án hiện có ở Algeria, Mông Cổ, Malaysia, Nga, Venezuela, Cuba, Iran. Thành lập liên minh chiến lược cùng tham gia đấu thầu các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài. Hợp tác với các nước láng giềng theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền… Chủ động khảo sát và đề xuất phương án với Chính phủ để được hỗ trợ thông qua đường quan hệ ngoại giao nhằm mở rộng hợp tác về dầu khí.
Về vận chuyển và chế biến dầu khí, hợp tác phát triển khí hóa lỏng từ: CHLB Nga, Đông Nam Á, Trung Đông, Australia và châu Phi…, để lựa chọn các đối tác chiến lược có khả năng cung cấp dài hạn dầu thô, các sản phẩm dầu mỏ, khí hóa lỏng (LNG), khí nén (CNG). Tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào trung và hạ nguồn dầu khí. Lập các chi nhánh, đại diện ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm và thương hiệu dầu khí Việt Nam. Mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và đào tạo các chuyên gia kỹ thuật và quản lý chuyên ngành dầu khí. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực vận chuyển, chế biến, phân phối sản phẩm dầu khí. Xây dựng lộ trình từng bước tự do hóa thị trường xăng dầu trong phạm vi cả nước.
Đối với ngành Than, định hướng phát triển là tăng cường hợp tác quốc tế với các nước: Nhật Bản, CHLB Nga, Australia, Indonesia, Ba Lan, Anh…, tập trung vào các nội dung: Phát triển công nghệ khai khoáng theo hướng thân thiện với môi trường và an toàn; tìm kiếm nguồn cung cấp than dài hạn và ổn định cho phát triển kinh tế, kể cả việc tham gia đầu tư vào các mỏ than ở nước ngoài. Cùng với đó, sản xuất trong nước sẽ ưu tiên hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và cung cấp trang thiết bị khai thác than hầm lò cho các dự án khai thác xuống sâu dưới mức -300 tại bể than vùng đông bắc. Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ khai thác ở mức sâu bể than Quảng Ninh và bể than đồng bằng sông Hồng. Hợp tác sản xuất máy móc, trang thiết bị ngành mỏ, chuyển giao công nghệ tiên tiến chế biến và sử dụng than, chú trọng hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành than.
Liên quan đến ngành điện, tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài (tập trung vào các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước châu Âu, CHLB Nga, các nước Bắc Âu, Hoa Kỳ, Canada), hỗ trợ thu xếp vốn và tham gia các dự án phát triển điện, Tổng sơ đồ VII theo hình thức BOT, BOO, liên doanh, mua cổ phần… Thu hút đầu tư của các công ty thuộc các nước có nguồn vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Malaysia, Thái Lan… Mở rộng đấu nối lưới điện, trao đổi điện trong khu vực (Trung Quốc, Lào và Campu chia); hỗ trợ kỹ thuật mạng lưới điện thông minh.
Về năng lượng tái tạo, tiếp tục tăng cường kêu gọi các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp của các nước phát triển như: Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan, CHLB Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hoa Kỳ… hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, tín dụng ưu đãi cho phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, nhiên liệu sinh học, biogas, thủy điện nhỏ.
Về tiết kiệm năng lượng, tập trung hợp tác với các nước EU, Nhật Bản Hàn Quốc, ASEAN, Hoa Kỳ, WB, Trung Quốc… triển khai các chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
“Đặt hàng” các Thương vụ
Với nội dung và định hướng như trên, Tổng cục Năng lượng đã đề xuất hợp tác với các thương vụ nhiều nội dung như: Chú trọng nghiên cứu tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh của các nước sở tại, cung cấp thông tin kịp thời về tổng cục để xây dựng chiến lược, chương trình xúc tiến thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cũng như hỗ trợ tìm hiểu tiềm năng thực lực của các công ty, đơn vị dự kiến đầu tư tại Việt Nam.
Giới thiệu các dự án thu hút đầu tư của ngành năng lượng cho các đối tác phù hợp tại các nước sở tại. Nắm bắt xu thế phát triển năng lượng trên thế giới, tham mưu cho lãnh đạo Bộ về định hướng phát triển các ngành năng lượng. Phối hợp, đôn đốc các chương trình, dự án hợp tác về năng lượng, đặc biệt là các dự án, chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế, với các nước có quan hệ hợp tác chiến lược, như: LB Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, CHLB Đức, Hoa Kỳ và Trung Quốc. “Tổng cục năng lượng sẵn sàng phối hợp cung cấp các thông tin cần thiết và xử lý các nội dung, yêu cầu, vấn đề phát sinh với các doanh nghiệp, các nước, các tổ chức quốc tế… theo yêu cầu của các thương vụ” - ông Phong khẳng định.
Tổng cục Năng lượng cũng đã đưa danh mục cụ thể kêu gọi đầu tư. Trong đó, nhà máy điện BOT có 7 dự án (Vũng Áng 3 - nhiệt điện đốt than công suất 1.200- 1.300MW, Ô Môn II - nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp công suất 750MW…)
Về vận chuyển và chế biến dầu khí, tập trung cho dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài tới 49%). Dự án Nhà máy Lọc dầu Long Sơn (kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài tới 75%). Dự án nhà đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài tới 49%), các dự án đầu tư xây dựng kho ngầm dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu.