Thị trường đầy tiềm năng
Tiến sĩ Đoàn Bảo Huy - giảng viên tài chính Đại học RMIT- nhận định, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam hiện đang chuyển động mạnh mẽ, sự thành công sẽ thuộc về những nhà cung cấp biết tái cấu trúc hoạt động và nắm bắt nhu cầu khách hàng một cách linh hoạt.
Tiến sĩ Huy nói rằng, “Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020” do Bộ Công Thương công bố cho thấy, doanh thu bán lẻ TMĐT năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2018, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong năm 2020, doanh thu TMĐT được dự báo sẽ vượt ngưỡng 13 tỷ USD.
Hiện tại, 20 trang web và ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT hàng đầu (như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo…) đang nắm giữ khoảng 72% doanh thu cả thị trường. Thị trường TMĐT những năm gần đây có nhiều biến động xảy ra, trong đó có hàng loạt sàn TMĐT phải đóng cửa, một số sàn lớn liên tục phải chịu lỗ cao.
Tuy nhiên, điều này không hẳn do tình trạng thiếu cân bằng cung cầu, mà một phần đến từ quyết định tái cấu trúc của các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn, trang web Robins.vn (thuộc Central Group) đã thông báo dừng bán hàng trực tuyến cuối tháng 3/2019, chỉ tập trung vào hai cửa hàng chính tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo Central Group, điều này giúp thực hiện chiến lược tái cấu trúc, đẩy mạnh hơn nữa sức tăng trưởng kinh doanh của tập đoàn này tại Việt Nam.
Thương mại điện tử phát triển kéo theo nhiều loại hình dịch vụ |
Theo các chuyên gia về TMĐT, đại dịch COVID - 19 đem đến nhiều cơ hội để các doanh nghiệp bứt phá trong ngắn hạn. Cụ thể, trong tháng 3/2020, ngành bách hoá trực tuyến tăng tốc khi người tiêu dùng phải ở nhà tránh dịch. Đơn cử như trang web của Bách Hoá Xanh đã tăng 49% vào quý 1/2020 so với quý trước đó.
Một số trang web kinh doanh hàng mỹ phẩm bán thêm khẩu trang, nước rửa tay khô cũng có lượng truy cập vào quý 1/2020 tăng trung bình 32% so với trước, trong khi các trang web thuần túy bán mỹ phẩm thì chỉ tăng trung bình 10%.
Về lâu dài, để thành công trong kinh doanh TMĐT khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn như hiện nay, doanh nghiệp không thể chỉ tập trung vào tăng trưởng mà cần phải chú trọng vào cơ sở hạ tầng.
Nghiên cứu gần đây của iPrice và Parcel Performance cho thấy, 34% người dùng TMĐT trong khu vực ASEAN vẫn chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ chuyển phát bưu kiện mà họ nhận được. Tại Việt Nam, trung bình phải mất 5 - 6 ngày sản phẩm mới được chuyển phát đến tay người mua, tốc độ giao dịch chậm thứ hai trong khu vực.
Tiến sĩ Đoàn Bảo Huy đánh giá, các sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam đang chạy đua nước rút để cải thiện tốc độ giao hàng bằng nhiều chiến lược khác nhau về cơ sở hạ tầng giao hàng. Tại Việt Nam, vai trò của mạng xã hội đặc biệt lớn trong giai đoạn khách hàng tìm kiếm thông tin và đưa ra quyết định mua hàng. Theo báo cáo gần đây của Facebook, có đến 48% người mua hàng tại Việt Nam tìm kiếm sản phẩm mới qua mạng xã hội và 53% sẵn sàng mua hàng từ các thương hiệu TMĐT mới.
“Xu hướng mua sắm trực tuyến hiện nay chú trọng tăng cường tính cá nhân hoá, tương tác và xã hội hoá. Nhà cung cấp dịch vụ nào không đáp ứng được những nhu cầu này sẽ nhanh chóng bị đào thải” - Tiến sĩ Huy phân tích thêm.
Nhiều vụ việc gian lận trong kinh doanh thương mại điện tử
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số phát triển của các sàn TMĐT không ngừng tăng, đồng thời cũng phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong hoạt động này. Chỉ tính trong tháng 7 đầu năm 2020, các cơ quan chức năng kiểm tra 2.403 vụ, đã phát hiện và xử lý 2.213 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 16,3 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm hơn 40 tỷ đồng.
Theo ông Trần Hữu Linh -Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, hàng hóa vi phạm trong kinh doanh TMĐT đa phần là hàng không có hóa đơn chứng từ, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại về TMĐT gần đây diễn ra phổ biến và khó xử lý do đâu? Các chuyên gia cho rằng, vấn đề lớn nhất là người kinh doanh vì lợi nhuận đã không tuân thủ pháp luật, thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức kinh doanh, bên cạnh đó vẫn còn có những quy định thiếu chặt chẽ, chế tài chưa đủ mạnh dẫn đến nhiều người lợi dụng và lách luật.
Để đẩy lùi tình trạng gian lận trong kinh doanh TMĐT, một cán bộ thuộc Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đề xuất, cần áp dụng bắt buột quy định chủ sàn TMĐT phải lưu giữ thông tin các giao dịch về hàng hóa, từ đó thể hiện họ đã mua bán hàng hóa loại gì, nguồn gốc, chất lượng ra sao. Mục đích là để cơ quan chức năng dễ kiểm tra đồng thời làm tăng trách nhiệm của người kinh doanh.
Người dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nhận hàng đặt mua qua kênh thương mại điện tử |
Hiện tại, các cơ quan chúc năng vẫn thường xuyên kiểm tra tài khoản người bán, đăng tải nội dung thông tin kinh doanh hàng hóa. Song thực tế, rất nhiều người kinh doanh có nhiều tài khoản trên các sàn TMĐT luôn trong chế độ “ngụp lặn”, sẵn sàng xóa dấu vết rất nhanh khi bị phát hiện gian lận.
Ông Hà Trung Cang - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2020 và kiểm tra đột xuất, các Đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 19 vụ vi phạm lập website TMĐT, thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm hàng hóa. Hàng hóa vi phạm là hàng hóa tiêu dùng như, đồng hồ, mắt kính giày dép, quần áo, mỹ phẩm, trang sức, hàng điện tử…bán qua online.
Từ buôn bán tem, nhãn, bao bì giả; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử; hàng hóa gắn nhãn tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả; sản xuất hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên biển hiệu, trên phương tiện kinh doanh…là hành vi gian lận bị phát hiện trên không gian TMĐT.
Theo ông Cang, do chủ thể kinh doanh luôn biến ảo, hàng hóa không chứa trữ ở nơi đăng ký kinh doanh, không có kho hàng cố định, giao dịch buôn bán không có hóa đơn chứng từ nên việc phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT hiện nay rất khó khăn.