Có nên đưa sản phẩm test nhanh Covid-19 vào danh mục hàng bình ổn giá? |
Mỗi nơi một giá
Bên cạnh một số vật dụng như khẩu trang, nước súc họng, xịt mũi, các vitamin bổ sung tăng cường sức đề kháng, vitamin C… thì kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 cũng được người dân tìm mua nhiều nhất.
Kit Genbody được bán với giá từ 70 – 85 nghìn đồng/bộ, tùy cửa hàng |
Khảo sát của phóng viên ở một vài tuyến phố Hà Nội cho thấy, có nhiều loại test nhanh kháng nguyên Covid-19 được bán trên thị trường, như test nhanh có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, của Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp…
Tại một hiệu thuốc trên đường Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chị chủ cửa hàng cho biết, ở đây chỉ bán 1 loại test nhanh của Hàn Quốc, giá 75.000 đồng/bộ kit. “Mua 1 bộ hay 10 bộ giá cũng như nhau. Trước Tết, giá của loại test nhanh này chỉ khoảng 62-65.000 đồng/kit, nhưng từ sau Tết nguyên đán, do nhu cầu tự test của người dân tăng cao đột ngột khiến giá mặt hàng này cũng tăng”, chủ cửa hàng này cho biết.
Chị Vân Anh, nhân viên tại cửa hàng thuốc trên phố Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, test nhanh của Hàn Quốc được bán phổ biến nhất hiện nay, song giá cũng tăng từ 10 – 20.000 đồng/kit so với trước Tết, nhưng nhiều lúc cửa hàng không còn hàng để bán. Chị cho biết thêm: Test nhanh của Hàn Quốc cũng có nhiều loại, mỗi loại giá khác nhau, ví dụ: Bộ kit Biocredit Covid-19 Ag, xuất xứ Hàn Quốc đang được bán 75 - 90 nghìn đồng; Genbody giá từ 70 - 85 nghìn đồng...
Thời điểm trước Tết, một hộp kit Biocredit Covid-19 Ag, xuất xứ Hàn Quốc, gồm 25 kit, phóng viên mua chỉ có giá 1.070.000 đồng. Như vậy chia ra thì chưa đến 43.000 đồng/kit. Trong khi giá bán hiện nay tăng gấp đôi, thậm chí còn cao hơn nhưng nhiều cửa hàng cho biết, nhiều lúc rất khan hiếm.
Bên cạnh đó còn có test nhanh xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, giá 85 – 90.000 đồng; của Singapore từ 70 – 85.000 đồng; của Pháp từ 53 – 80 nghìn đồng/kit, tùy cửa hàng.
Thắc mắc về mức giá khác nhau như vậy, một nhân viên bán hàng trên phố Cầu Giấy cho biết, mức giá khác nhau giữa các cửa hàng là do chi phí thuê cửa hàng và cũng tùy thuộc vào lô hàng nhập. Cửa hàng nào nhập với số lượng lớn thì mức giá cũng sẽ được ưu đãi hơn. Cái chính là do nhu cầu của người dân tăng cao quá mức khiến kit xét nghiệm đang "cháy" hàng nên giá có tăng.
Mặc dù nhận được lời giải thích rõ ràng nhưng bản thân phóng viên cũng hoang mang, với mức giá khác nhau như vậy thì chất lượng của từng loại sản phẩm như thế nào, cũng như giá có phải quá cao so với thực tế?
Ban hành mức trần giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19
Trước nhu cầu tăng cao của người dân cũng như để đảm bảo cân bằng giá, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 02 quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2. Thông tư này thay thế Thông tư 16 về mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế. Đây là lần thứ 3 giá xét nghiệm Covid-19 được Bộ Y tế điều chỉnh giảm giá.
Theo đó, từ ngày 21/2/2022, xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định có mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm. Mức giá theo quy định hiện hành ở Thông tư16 là 109.700 đồng/xét nghiệm. Như vậy, mức giá mới sẽ giảm khoảng 30% so với giá đang thực hiện.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định có mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR: Trường hợp mẫu đơn, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho phản ứng theo quy định có mức thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng/xét nghiệm; trường hợp gộp mẫu, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho phản ứng theo quy định, trong đó sinh phẩm xét nghiệm cho phản ứng được chia đều theo số mẫu gộp.
Trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế: Đối với cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố và cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc các bộ, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương, trừ trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng do ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, việc xác định mức giá thực hiện theo quy định như trên, trong đó mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm phản ứng) do cấp có thẩm quyền của địa phương quy định nhưng không vượt mức giá tối đa khung giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định tại Thông tư 02.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc các bộ, cơ quan trung ương và cơ sở y tế của Nhà nước thực hiện dịch vụ y tế dự phòng, mức giá thực hiện theo quy định như trên.
Bộ Y tế cảnh báo, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, một số đối tượng tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch. |