Trong thời gian qua, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt tham gia được vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất hạn chế, đòi hỏi cần có những giải pháp hiệu quả để nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt.
Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm "Doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn" do Vuasanca tổ chức ngày 24/9.
Tọa đàm "Doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn" - Ảnh: Cấn Dũng |
Câu chuyện ốc vít và nỗi oan cho ngành cơ khí Việt
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, trong số đó mới có khoảng hơn 100 doanh nghiệp tư nhân trong nước là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia; khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai, cấp ba. Những con số trên cho thấy số lượng doanh nghiệp Việt tham gia được vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn khá hạn chế.
Ông Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương đánh giá, hiện tham gia vào các chuỗi cung ứng không phải dễ, chúng ta phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, tiến độ, giá cả. Trong khi doanh nghiệp trong nước phần lớn là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, việc đầu tư được thiết bị máy móc và áp dụng được tiêu chuẩn của những tập đoàn đa quốc gia là rất khó.
"Vì vậy mới có câu chuyện doanh nghiệp trong nước không sản xuất được ốc vít cho điện thoại", ông Khoa nêu câu chuyện một thời là chủ đề "nóng" trên mọi diễn đàn và đằng sau câu chuyện ốc vít là cả một chuỗi dài đằng đẵng những vấn đề cần kiếm nguyên do.
Ông Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương |
Theo ông Khoa, không phải Việt Nam không làm nổi cái ốc vít mà với yêu cầu với chất lượng của đối tác, với sản lượng hàng triệu sản phẩm trong thời gian rất ngắn thì không một doanh nghiệp nào đáp ứng được.
Trên thực tế, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, nhiều sản phẩm cơ khí chính xác, đòi hỏi trình độ cao như ốc vít đã được một số doanh nghiệp Việt sản xuất, đạt tiêu cung cấp cho ngành ô tô và xuất khẩu đi nước ngoài.
Doanh nghiệp nội địa đang ở đâu trong chuỗi cung ứng?
Nhìn nhận thực tế, chuyên gia kinh tế - TS. Trần Đình Thiên cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện đang có độ mở lớn và hội nhập ngày càng sâu hơn. Nhưng, doanh nghiệp nội địa vẫn chưa thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên - Ảnh: Cấn Dũng |
Theo ông Thiên, trình độ công nghiệp còn thấp, Việt Nam vẫn cơ bản là sản xuất gia công, chưa chạm được nhiều đến tự động hóa, số hóa.
Bên cạnh đó, hệ thống chuỗi công nghiệp chưa rõ ràng. Doanh nghiệp công nghiệp, doanh nhân Việt Nam chưa thực sự tạo được sự liên kết công nghiệp giữa trong nước và thế giới; chưa thật sự dẫn dắt được chuỗi công nghiệp của các doanh nghiệp, tập đoàn, thế giới vào Việt Nam. Bước chuyển mình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các doanh nghiệp còn yếu.
Năng lực các doanh nghiệp trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, là trở ngại lớn để thu hút các chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam cũng như hạn chế khả năng Việt Nam tham gia vào các công đoạn cao (upstream) trong mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Những điểm yếu này nếu không sớm khắc phục sẽ làm tăng nguy cơ lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp, khó kiểm soát được các dòng đầu tư chất lượng thấp, đầu tư thâu tóm thị trường và doanh nghiệp trong nước, đầu tư "núp bóng”...
Lấy ví dụ về sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng cho Samsung, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí Vũ Văn Khoa cho rằng, vẫn còn khó để các công ty nội địa có thể tham gia vào chuỗi cung ứng vật tư, linh kiện trực tiếp cho doanh nghiệp này.
"Những công ty cung cấp liên quan đến kỹ thuật cho tổ hợp Samsung là các công ty "sân sau". Doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi của họ rất khó, hoặc có thì cũng chỉ tham gia những công nghệ đơn giản, một phần rất nhỏ", ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến sản xuất của nhiều tập đoàn toàn cầu, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là cần thiết với doanh nghiệp Việt Nam.
Việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, nỗ lực này sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều nếu các điều kiện về mặt thể chế, môi trường kinh doanh, quy định pháp luật dễ dàng hơn, thuận lợi hơn cho quá trình nỗ lực tự thân của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn quốc tế. Nhà nước nên đóng vai trò trung gian, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi cung ứng quốc tế, thông qua việc tổ chức các hội thảo, diễn đàn kinh tế, và các chương trình đào tạo nâng cao năng lực.