Lời giải cho “bài toán” tiêu thụ nông lâm thủy sản trong tình hình mới của Quảng Ninh - Bài 1: Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
Giải quyết lượng nông sản còn tồn đọng
Dự kiến năm 2021, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 225 nghìn tấn bằng 99,2% cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 102,5 nghìn tấn tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020; tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 154,5 nghìn tấn tăng 6,94% so với năm 2020. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định, chiếm tỷ trọng 5,9% trong cơ cấu GRDP, đóng góp 0,2 điểm% tăng trưởng.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông lâm, thủy sản, Sở Công Thương Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 3262/KH-SCT ngày 27/9/2021 về việc triển khai Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh về việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản Quảng Ninh đến cuối năm 2021 và hoạt động Xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh trong quý IV năm 2021 tại 6 địa phương trên địa bàn tỉnh và tổ chức Gian hàng trực tuyến kết nối tiêu thụ thủy sản Quảng Ninh trên hệ thống trang tin Sàn giao dịch thương mại của tỉnh với tên gọi “Quảng Ninh - Nông thủy sản theo mùa”.
Nhiều “Tuần tiêu thụ nông sản – thủy sản” được Ngành Công Thương Quảng Ninh cùng các đơn vị liên quan tổ chức tại nhiều địa phương trong tỉnh |
Đồng thời, triển khai chiêu thương gian hàng thủy sản tại các chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh. Tổ chức khu bán hàng nông sản - thủy sản Quảng Ninh tại bãi sân Cửa khẩu KaLong, thành phố Móng Cái từ ngày 01 - 03/10/2021 và tại Hải Hà từ ngày 07-10/10/2021; tổ chức Phiên chợ hàng Việt tại huyện Đầm Hà gắn với Khu giới thiệu, bán sản phẩm thủy sản Quảng Ninh từ ngày 14-17/10/2021; Phiên chợ hàng Việt tại huyện Ba Chẽ gắn với Khu giới thiệu, bán sản phẩm thủy sản Quảng Ninh từ ngày 21 - 24/10/2021 ; Tổ chức tuần bán hàng trực tuyến sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh tại thành phố Uông Bí từ ngày 28-31/10/2021 .
Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, Cục thương mại điện tử và kinh tế số đăng tải và cung cấp thông tin về các đơn vị sản xuất sản phẩm thủy sản cần hỗ trợ tiêu thụ của tỉnh tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đơn vị phân phối trong và ngoài tỉnh để biết và hỗ trợ tiêu thụ.
Các sản phẩm nông sản – thủy sản được đưa vào bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại |
Nhờ đó, từ ngày 30/9 đến ngày 30/10/2021 toàn tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ 12.253 tấn sản phẩm thủy sản các loại tại thị trường trong và ngoài nước. Lũy kế từ 15/9 - 30/10/2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ trên 15.483 tấn sản phẩm thủy sản các loại Quảng Ninh tại thị trường trong và ngoài nước.
Điển hình như các sản phẩm cá Song tiêu thụ 236,5 tấn qua các kênh tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, trị giá 35,475 tỷ đồng. Trong đó, tiêu thụ tại tỉnh ngoài 165 tấn, tiêu thụ qua nhà hàng Hồng Hạnh 14,8 tấn; qua các cơ quan, đơn vị trong tỉnh 7,5 tấn như Công ty Nhiệt điện Mông Dương, Công ty cổ phần than Vàng Danh, Công ty than Khe Sim, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh...; 44 tấn qua kênh truyền thống (các chợ, các mối quen, nhà hàng, bếp ăn....); trên 5,2 tấn qua các gian hàng thủy sản tại các Tuần bán hàng, Phiên chợ tại các địa phương trong tỉnh.
Các loại cá khác tiêu thụ gần 134 tấn, trị giá khoảng 14,740 tỷ đồng, qua các gian hàng thủy sản tại các Tuần bán hàng, Phiên chợ tại các địa phương trong tỉnh, các kênh tiêu thụ truyền thống (các chợ, các mối tiêu thụ quen trong và ngoài tỉnh, nhà hàng, bếp ăn....).
Hàu (nguyên vỏ) tiêu thụ gần 11.603 tấn qua các kênh tiêu thụ trong và ngoài nước, trị giá khoảng 69,618 tỷ đồng. Trong đó thị trường ngoài nước 8.383 tấn (tương đương 838,3 tấn ruột) tại Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào; tỉnh ngoài 1.523 tấn tại Tây Nam bộ, miền Trung, miền Bắc; trong tỉnh tại các kênh truyền thống: chợ, các mối quen và nhà hàng, bếp ăn...1.697 tấn. Các mặt hàng thủy sản khác (thưng, sần...). tiêu thụ 280 tấn, trị giá khoảng 12,6 đồng, trong đó thị trường Trung Quốc khoảng 204 tấn, trong nước qua các đơn vị doanh nghiệp, chợ, các mối quen trong, ngoài tỉnh và nhà hàng, bếp ăn...là 76 tấn.
Tiếp cận thị trường mới thông qua các kênh bán hàng mới
Cung cấp thường xuyên về quy mô, sản lượng, địa chỉ liên hệ của từng chủng loại sản phẩm cho các đơn vị, đầu mối thu mua để có sự kết nối, kế hoạch tiêu thụ kịp thời. Chuẩn bị chu đáo địa điểm để phục vụ các hoạt động thăm quan, khảo sát, tìm hiểu vùng sản xuất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thu mua sản phẩm nông sản. Chủ động nắm bắt thông tin dư luận, thông tin xã hội và thông tin thị trường, kịp thời xử lý có hiệu quả đối với các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hoạt động tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ thủy sản cho bà con nông dân |
Đồng thời, tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản của tỉnh tại các tỉnh, thành phố, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị,... Hỗ trợ đưa sản phẩm vào các hệ thống sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Voso.vn, Sendo.vn, Lazada.vn, Shopee.vn... Chủ động kết nối giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thủy sản; tổ chức, tham gia các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố, thiết lập các kênh phân phối và mở rộng thị trường tiêu thụ..
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được kết nối và phân phối rộng rãi trên hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại ở mọi thị trường; các sở, ngành và các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đối với các thị trường tiêu thụ nội địa, Sở Công Thương cũng đã chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có thị trường tiêu thụ, sức mua lớn để kết nối, tiêu thụ thủy sản Quảng Ninh vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối thủy sản tại đây.
Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) cũng là một trong những đòn bẩy quan trọng tạo chuyển biến tích cực cho ngành Nông nghiệp. Thông qua thực hiện đề án đã đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN mới; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù địa phương, phát triển vùng sản xuất nông sản tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới, đơn vị sẽ xây dựng thêm các chuỗi liên kết để không phải thực hiện giải cứu sản phẩm của ngành; phát triển bền vững nghề nuôi biển theo quy hoạch, xây dựng phương án sản xuất, cung ứng nông sản...Ngành cũng tiếp tục tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và liên kết “4 nhà” (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp) để tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó, ngoài việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm còn gắn các vùng sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch, hình thành các điểm làm nông nghiệp trải nghiệm. Qua đó, tạo hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. |