Đấu tranh đối với buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn còn là một cuộc chiến lâu dài cần đến sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội. ------- |
Không có “vùng cấm” |
Kinh tế nước ta ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với việc tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này mang lại nhiều thời cơ, cũng như thuận lợi cho hoạt động ngoại thương nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất. Song hành với đó, thị trường trong nước (nhất là thương mại điện tử) đang phát triển mạnh, việc giao thương sẽ sôi động, phức tạp hơn, nhất là trên môi trường số, cùng với đó tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại cũng sẽ gia tăng và ngày càng tinh vi hơn. Những yếu tố này thực sự là thời cơ thuận lợi để phát triển kinh tế, ổn định chính trị, nâng cao đời sống cho nhân dân, hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế, thương mại song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn cho xã hội nói chung và công tác “Quản lý thị trường” nói riêng. Tại Việt Nam, cùng với các lực lượng khác, Quản lý thị trường là lực lượng nòng cốt của Chính phủ trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; có chức năng xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm: buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm... và những hành vi vi phạm khác trên môi trường thương mại điện tử. |
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “Phòng, chống và ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường trong những năm qua và công tác này sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của lực lượng trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới”. Cùng với nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường cũng phối hợp với các lực lượng chức năng khác như hải quan, biên phòng, công an... tiến hành kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng xâm phạm quyền... Từ thực tế công tác đấu tranh, lực lượng chức năng nhận định, các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý chủ yếu là các hành vi: kinh doanh buôn bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh buôn bán hàng hoá giả về chất lượng, công dụng; vi phạm giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; vi phạm giả tem, nhãn, bao bì hàng hóa; vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngày 22/03/2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT “Về việc thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025” (Kế hoạch 888) và triển khai đồng bộ trên cả 63 tỉnh, thành phố tập trung vào các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm. |
Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường được triển khai nhằm góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa được Nhà nước bảo hộ và tránh vi phạm các quy tắc, các quy ước về công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Từ đó, từng bước đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dần xử lý triệt để các hành vi vi phạm, các tụ điểm lớn trong sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ tiếp tục nằm trong lộ trình kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian tới. Sau hơn hai năm triển khai, nhiều đường dây, ổ nhóm, tụ điểm về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã được lực lượng Quản lý thị trường triệt phá. Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong năm 2022, toàn lực lượng kiểm tra 7.772 vụ theo Kế hoạch 888 tăng 93,5% so với cùng kỳ năm 2021, phát hiện và xử lý 6.900 vụ việc vi phạm cao gấp 1,7 lần cùng kỳ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 68,9 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ, trị giá hàng hóa vi phạm trên 99,1 tỷ đồng. Đơn cử, tháng 12/2022, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Nghiệp vụ phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM tiến hành kiểm tra 12 cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy tại chợ Tân Thành cùng hàng loạt các cửa hàng kinh doanh phụ kiện, đồ trang trí xe máy xung quanh khu vực này. Đây là một trong những địa điểm kinh doanh, bán sỉ phụ tùng, phụ kiện, đồ trang trí xe máy lớn tại TP.HCM và khu vực phía Nam. |
Trước đó, tháng 4/2022, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đột xuất kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh với 4 kho hàng vi phạm tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa và tạm giữ 27.825 đơn vị hàng hóa là đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm, giày dép… có dấu hiệu vi phạm; tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên đến hơn 1,2 tỷ đồng. Tiếp đến tháng 10/2022, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị chức năng đồng loạt kiểm tra 3 tổng kho, cửa hàng kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Sau khi kiểm tra, kiểm soát hàng hóa phát hiện tổng số hàng hóa vi phạm là 5.054kg và được phân loại thành 34.797 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm Hiện số hàng hóa đã được phân loại và tiếp tục tạm giữ niêm phong tang vật có dấu hiệu vi phạm để xác minh làm rõ xử lý theo quy định. Việc lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý cùng nhiều địa điểm khác nhau là một trong những lộ trình kiểm tra trong Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường. Tại Việt Nam, lực lượng Quản lý thị trường là nòng cốt của Chính phủ trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; có chức năng xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm: buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm... và những hành vi vi phạm khác trên môi trường thương mại điện tử. Song song với đó, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ các thương hiệu nước ngoài đang có mặt tại thị trường Việt Nam. |
Cho rằng, những kết quả trên là chưa đủ, các hành vi vi phạm vẫn còn nhiều. Không để doanh nghiệp "cô đơn" trước mạng lưới hàng giả, hàng nhái, thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đang xúc tiến nhiều hoạt động nhằm bảo vệ các thương hiệu nước ngoài đang có mặt tại thị trường Việt Nam. Đáng nói, rất nhiều các tập toàn, doanh nghiệp lớn trong nước cũng như trên thế giới đã chọn Tổng cục Quản lý thị trường là cơ quan nhà nước có uy tín tin cậy, hợp tác, đồng hành trong cuộc chiến phòng chống hàng giả, có thể kể đến như hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng công ty Vietnam Post; Tổ chức doanh nghiệp COOPERATIVE VERNIGING SNB-REACT U.A khu vực châu Á Thái Bình Dương; Tập đoàn SCHOTT AG của Đức; tập đoàn P&G; Tập đoàn Moet Hennessy – Louis Vuitton, Tập đoàn LEGO… Có thể nói, trên mặt trận chống hàng giả, “nhân dân tin tưởng, doanh nghiệp đồng hành, tin cậy” là một trong những yếu tố cốt lõi, quan trọng, góp phần bảo vệ trận địa thị trường, giữ vững an ninh kinh tế, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Đáng chú ý, thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã khai trương Phòng trưng bày “Nhận diện hàng thật – hàng giả” và đây dần trở thành điểm đến thân thuộc của không chỉ người tiêu dùng mà còn cả doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng đây là cách làm hay cần được nhân rộng hơn trong thời gian tới với nhiều sản phẩm hơn, nhất là những mặt hàng có giá trị cao, liên quan đến sức khỏe của người dân. |
Đồng thời, để xây dựng lực lượng Quản lý thị trường ngày càng chính quy kiện đại cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực cho thế hệ kế tiếp, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở khóa đào tạo cho lực lượng Quản lý thị trường và đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam có chuyên ngành Quản lý thị trường. |
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - chia sẻ, việc Quản lý thị trường chính thức trở thành một trong những chương trình đào tạo đại học chính quy tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân là tiền đề quan trọng để đào tạo nên một lực lượng công chức Quản lý thị trường trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, được trang bị tốt về kỹ năng nghề nghiệp, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ hiện đại trong công tác để thực hiện tốt những chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó. |
Chuyển từ kiểm tra sang giám sát, tuyên truyền, vận động |
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vừa là yêu cầu khách khách quan, vừa là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, là yếu tố quan trọng bảo đảm mọi thành công của Đảng. Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là thông qua công tác tuyên truyền, vận động. Kể từ khi thành lập, đặc biệt, kể từ khi hoạt động theo mô hình ngành dọc, thống nhất từ Trung ương đến các địa phương, công tác tuyên truyền định hướng nhất quán trong toàn lực lượng: Mỗi cán bộ công chức quản lý thị trường đã trở thành một tuyên truyền viên, được trang bị trang bị, bồi dưỡng nền tảng tư tưởng của Đảng bên cạnh các nghiệp vụ chuyên môn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của nhân dân, Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Vì vậy, Người chủ trương: “Cách làm là: Dựa vào lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”. Trong bối cảnh, thương mại điện tử “lên ngôi”, đi kèm đó cũng là vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm trên môi trường trực tuyến cũng tăng cao, thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn. Đặc biệt, các đối tượng vi phạm, livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho hàng hóa lại ở một địa chỉ khác, thậm chí ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Cũng phải nhìn nhận rằng, chính bản thân nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa chú trọng đến việc bảo vệ thương hiệu của mình. Do vậy, công tác truyền thông đôi khi cũng còn hạn chế hoặc các doanh nghiệp biết là sản phẩm hàng hóa của mình bị làm giả nhưng không muốn công khai việc nhận dạng hàng giả. Doanh nghiệp cũng chưa quan tâm áp dụng công nghệ mới trong việc bảo vệ sản phẩm hàng hóa của mình, như ứng dụng về truy xuất nguồn gốc hay tem chống giả. |
Về phía người tiêu dùng, đôi khi vẫn biết là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chuộng thương hiệu đó và vẫn muốn sử dụng vì giá rẻ nên đã vô tình tiếp tay cho thực trạng hàng giả phát triển. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cần đồng bộ và sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Theo đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, Hiệp hội VATAP đã chủ động đồng hành cùng các lực lượng chức năng thực thi, các doanh nghiệp trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và đạt nhiều kết quả tích cực. Hiệp hội VATAP đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả thì cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Quản lý thị trường trong việc cung cấp hồ sơ, chứng từ pháp lý để làm cơ sở giúp cơ quan thực thi kiểm tra, xử lý vi phạm. Trước tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, khó lường, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, để đấu tranh hiệu quả với vấn nạn này, các lực lượng chức năng thực thi cần đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ; đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa kém chất lượng, hàng gian lận thương mại; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân không tiếp tay, mua, sử dụng hàng hóa vi phạm. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng, tham gia Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ. |
Trong năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục “thay đổi toàn diện phương thức làm việc, chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, trở thành lực lượng phản ứng nhanh, thông suốt hiệu quả 24/7”; “tập trung xử lý hàng giả, hàng vi phạm trên thương mại điện tử”. Cùng với đó, Kế hoạch 888 tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ tăng cường theo dõi, quản lý địa bàn; bổ sung kịp thời tình hình biến động đối với các đối tượng của kế hoạch; chủ động phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để nắm bắt các đối tượng kinh doanh bằng thương mại điện tử. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2023, Kế hoạch 888 tiếp tục đặt mục tiêu, hướng đến công tác tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở, hộ kinh doanh, tăng cường giám sát thay vì kiểm tra. Trong đó, toàn lực lượng Quản lý thị trường sẽ xây dựng các chương trình lớn trong năm nhằm tuyên truyền công tác đấu tranh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc… Cùng với đó, tổ chức trao đổi nghiệp vụ với sự tham gia của Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nhằm nâng cao tính gắn kết, cùng trao đổi, hỗ trợ trong công tác nghiệp vụ, thống nhất xử lý; phối hợp Cục Nghiệp vụ trong các vụ việc phức tạp, quy mô lớn, liên tuyến, liên tỉnh. Tổng cục Quản lý thị trường cũng khuyến cáo các cá nhân, tổ chức và người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là qua thương mại điện tử. Nếu người dân, tổ chức phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa có thể liên hệ các đội quản lý thị trường địa bàn để được hướng dẫn, giải quyết, bảo đảm quyền lợi của mình. |
*Bài dự thi Cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Thực hiện: Trang Anh
|