Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 150 đại biểu đại diện chính quyền, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tổ chức xã hội và người dân |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng – ông Lê Minh Trung cho rằng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng của miền Trung – Tây Nguyên hiện đang đứng trước những thách thức to lớn về sự suy thoái và cạn kiệt, một số loại động thực vật đứng bên bờ tuyệt chủng do những áp lực từ việc phát triển kinh tế, và sự phát triển không cân bằng giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Riêng đối với TP. Đà Nẵng, theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030 có nêu rõ việc thực hiện phát triển thành phố phải gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, triển khai có hiệu quả đề án “Xây dựng Đà Nẵng – TP. Môi trường”.
Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất việc phát triển bền vững chỉ thực hiện được khi và chỉ khi có sự cân bằng giữa kinh tế - xã hội – môi trường.
Theo PGS.TS Võ Văn Minh – Đại học Đà Nẵng, bên cạnh những thành tựu về khoa học, kỹ thuật công nghệ đã chinh phục được, nhân loại đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, suy kiệt tài nguyên, sự nóng lên của trái đất, dịch bệnh…. Những thách thức này đến từ sự phát triển không cân bằng giữa kinh tế - xã hội – môi trường.
Theo ông Minh, nguyên tắc để phát triển bền vững là việc khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên môi trường, từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đô thị hóa, phát triển kinh tế không đi kèm với bảo vệ môi trường gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, đe dọa đến mục tiêu phát triển bền vững của khu vực miền Trung - Tây Nguyên |
Phát triển bền vững phải được dựa trên sự kết hợp hài hòa, cân bằng, có đan xen, giao thoa, tương hỗ lẫn nhau giữa kinh tế - xã hội – môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kết hợp 3 yếu tố này hoàn toàn mất cân bằng. Trong đó, việc phát triển hiện nay nghiêng hẳn về chú trọng phát triển kinh tế, việc chú trọng bảo vệ môi trường, trong đó có bảo tồn đa dạng sinh học bị lu mờ, nhạt nhòa.
Ông Minh cũng cho rằng việc cần làm ngay và cấp thiết hiện nay đó là đưa 3 yếu tố kinh tế - xã hội – môi trường về đúng vị trí của nó. Trong đó, chú trọng đặc biệt đến vai trò của môi trường trong sự phát triển bền vững. Để thực hiện được điều này, cần có sự đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên của toàn xã hội theo phương thức phân cấp – phân quyền – phân chia trên nguyên tắc thấu hiểu – chia sẻ - trách nhiệm.
Theo TS. Nguyễn Đình Anh – Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng, nhược điểm của quản lý tài nguyên Việt Nam hiện đó chính là tính chưa đồng bộ, việc quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở hạ tầng còn bất cập. Và hệ lụy của việc quản lý không hiệu quả này chính là những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra, mà cộng đồng ngư dân và nông dân sinh sống là các bên bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý tài nguyên tại Nhật Bản, PGS. TS Yoshika Yamamoto cho biết, từ thực tiễn bảo vệ thành công hồ sinh thái Biwa Vườn quốc gia Quasi – Nhật Bản cho thấy, việc thực hiện này chỉ thành công khi có sự thay đổi về ý thức của người dân. Khi người dân xem việc bảo vệ hồ Biwa là bảo vệ chính mình, là mang lại nguồn lợi cho bản thân và con cái mình trong thương lai. Từ đó, họ thay đổi suy nghĩ, thay đổi và có cách sống thân thiện với môi trường.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đang đứng trước nhiều thách thức từ áp lực gia tăng nhanh và mạnh lượng khách ra đảo |
Nhìn từ điển hình thực tế, ThS. Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An cho biết hiện Cù Lao Chàm đang đứng trước nhiều thách thức hiện hữu như áp lực từ việc gia tăng nhanh và mạnh lượng khách ra đảo tạo nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hơn; sự bất cập, chưa hòa hợp giữa các mục tiêu chiến lược của Hội An; ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Khó khăn của Cù Lao Chàm hiện nay đó là quy hoạch phát triển còn chồng chéo, chưa có sản phẩm thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, chưa tính toán được sức tải di sản và sức tại môi trường đối với các hệ sinh thái tự nhiên, chưa có sự phối hợp và chia sẻ lợi ích trong phát triển du lịch giữa doanh nghiệp và người dân địa phương. Bên cạnh đó, Cù Lao Chàm hiện cũng đang gặp khó do những tác động của biến đổi khí hậu tác động lên các hệ sinh thái, việc phát triển ồ ạt không đi kèm với việc nâng cao nhận thức của du khách….
Hiện, Cù Lao Chàm xác định việc giải quyết các khó khăn, thách thức phải dựa trên thực hiện mô hình đồng quản lý tài nguyên. Trong đó, xây dựng cơ sở khoa học và các luận cứ của phương thức “đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên” là việc làm tiên phong, là nền tảng cho mọi hoạt động bảo tồn tài nguyên; xây dựng các mô hình thí điểm, tổ chức, đánh giá, giám sát làm cơ sở nhân rộng; truyền thông nhân cao nhận thức của cộng đồng để họ tăng tính trách nhiệm đối với tài nguyên thiên nhiên và cần có sự phân rõ vai trò, trách nhiệm, lợi ích và tính bình đẳng của mỗi bên liên quan trong mô hình này.