Công trình nghiên cứu và chế tạo chiếc máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động của hai kỹ sư trẻ Trần Hữu Huy và Phạm Văn Phát đã tham dự nhiều cuộc thi uy tín đạt giải thưởng cao, bao gồm: Giải nhất Cuộc thi Sáng tạo xanh tỉnh Bình Định năm 2017, Giải nhì Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2018, Top 35 đội vào chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2018.
Sản phẩm ra đời từ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống
Hiện nay, ở các nước đang phát triển, ảnh hưởng của rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đến môi trường là rất lớn. Theo công bố của đại diện chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc tại hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Trong khi đó, rác thải nhựa cần hàng trăm năm, thậm chí là cả nghìn năm để bị phân huỷ. Ô nhiễm rác thải biển không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển và nghiêm trọng hơn là nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực. Vì vậy, công tác thu gom rác ở các thành thị, trên biển, đại dương và quản lý các bãi rác phải chặt chẽ hơn cần có biện pháp thu gom và xử lý rác ngay từ ban đầu chứ không để rác trôi ra biển là vấn đề vô cùng cấp thiết. Kinh phí xử lý rác trên biển rất đắt đỏ, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước.
Hai nhà sáng chế bên Máy đỏi vỏ lon, vỏ chai tự động tại Techfest 2018 |
Kỹ sư Trần Hữu Huy chia sẻ: Nhóm chúng tôi đã tiến hành khảo sát thị trường, khảo sát ý thức của người dân về việc sử dụng các vỏ lon, vỏ chai nhựa, phế phẩm... cũng như tìm hiểu những nguyên nhân vì sao người dân thường bỏ rác không đúng nơi quy định. Để đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, chúng tôi quyết định nghiên cứu và chế tạo ra máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động. Khi người dân bỏ rác vào chiếc máy này thì sẽ đổi trả lại cho họ một phần thưởng có giá trị tương ứng (nước uống, hiện vật...) hoặc tích lũy điểm vào thẻ.
Máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động có kinh phí đầu tư khoảng 1.500 USD. Hoạt động theo nguyên lý đơn giản như sau: Đầu tiên, người sử dụng nhấn nút Bắt đầu trên màn hình điều khiển để bắt đầu quá trình đổi vỏ lon kim loại, vỏ chai nhựa. Sau đó, bỏ lần lượt từng vỏ lon, vỏ chai vào máy. Máy sẽ nhận biết 2 loại: vỏ chai nhựa và vỏ lon kim loại. Trên màn hình máy sẽ hiển thị số lượng vỏ lon kim loại và vỏ chai nhựa ngay khi khách hàng bỏ chúng vào. Khi kết thúc quá trình đổi, khách hàng bấm vào Kết thúc trên màn hình điều khiển, lúc này máy sẽ hiển thị số lượng vỏ chai, vỏ lon mà khách đã bỏ vào và hiển thị số ly nước giải khát hoặc pepsi khách có thể đổi được trên màn hình. Máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động được thiết kế, chế tạo và sử dụng những vật tư, vật liệu thân thiện với môi trường, giá thành rẻ; chi phí vận hành, bảo trì, sửa chữa thấp, góp phần tiết kiệm kinh phí đầu tư thiết bị nên mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho nhà sản xuất và sử dụng.
Anh Trần Hữu Huy cho biết thêm thêm: Khi sản phẩm máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động được thử nghiệm, nhóm sáng chế nhận được phản hồi rất tích cực từ mọi người, nhất là các em học sinh, sinh viên. Tất cả những người sử dụng đều hứng thú với việc có một chiếc máy thông minh để bảo vệ môi trường, đặc biệt ở các thành phố đang phát triển du lịch.
Mong muốn đưa sản phẩm sản xuất đại trà trên cả nước
Xuất phát từ mục tiêu bảo vệ môi trường và trăn trở hiện tại của nhóm là làm thế nào để đưa chiếc Máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động được sử dụng phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, những nơi công cộng, trường học, công sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Nếu thực hiện được điều đó, chiếc máy mới phát huy tính ưu việt của nó trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh nơi cộng đồng khu dân cư.
Kỹ sư Phạm Văn Pháp đang hướng dẫn sử dụng Máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động |
Chính vì thế trong tương lai, chúng tôi nghiên cứu sẽ triển khai mô hình đến nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, hợp tác với các nhà cung cấp các sản phẩm tiêu dùng để thay thế giá trị quy đổi từ máy đa dạng hơn, giá thành hợp lý hơn. Song song với việc đó, nhóm sẽ liên kết với các tổ chức môi trường trong nước, tổ chức phi lợi nhuận để nhân rộng máy nơi công cộng, nhằm mục đích bảo vệ môi trường.
Về phần công nghệ, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp máy nhằm thu thập và phân loại nhiều loại vật liệu hơn như chai thủy tinh, lon nhôm, lon sắt, đồng thời phân loại được các kích cỡ chai... Xa hơn nữa, chiếc máy có thể sử dụng từ nguồn năng lượng sạch (năng lượng mặt trời), ép các vỏ lon, vỏ chai để tiết kiệm thể tích chứa. Ngoài ra, máy có thể trả tiền trực tiếp hoặc in ra phiếu ghi nhận số lượng vỏ lon, vỏ chai cho khách hàng. Họ có thể dùng phiếu này đổi lấy tiền ở các cửa hàng gần đó. Máy có thể đưa ra các mã để người dùng tích lũy điểm, người sử dụng có thể mua hàng hóa bằng cách sử dụng điểm tích lũy được. Với các phương thức cải tiến và tiềm năng phát triển như trên, nhóm nghiên cứu tin tưởng Máy đổi vỏ lon, vỏ chai tự động sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế bền vững đồng thời bảo vệ môi trường sống ở nước ta.