Khó có thể nhận định tác động cụ thể của Brexit lên EVFTA bởi chưa từng có tiền lệ |
Trong trường hợp này, những doanh nghiệp có khoản vay nợ ngoại tệ bằng đồng Yên lớn sẽ chịu thiệt hại nặng nhất, các doanh nghiệp khác bị tác động không đáng kể, bà Lê Thị Hồng Liên, Giám đốc Nghiên cứu phân tích (Khách hàng tổ chức) CTCK Maybank Kim Eng chia sẻ.
Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh so với tổng giá trị xuất khẩu hay GDP cao hơn một số nước trong khu vực. Vậy theo bà, Brexit sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới xuất khẩu của Việt Nam?
Rất khó để xác định xuất khẩu của Việt Nam vào Anh lớn hơn so với một số nước trong EU, bởi có tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khối này.
Nếu so sánh tỷ trọng xuấu khẩu vào Anh/tổng giá trị xuất khẩu hay GDP thì con số này của Việt Nam tương đối cao so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, điều này chủ yếu do độ mở sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong hơn một thập kỷ qua, dẫn đến tỷ trọng xuất khẩu/GDP của chúng ta cao thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Hong Kong và Singapore
Bà Lê Thị Hồng Liên |
Các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa đã chinh phục được những thị trường khó tính tại EU, bao gồm Vương quốc Anh. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, đây là một điểm tích cực, đáng khen ngợi, không phải là lý do để lo lắng.
Theo MayBank Kim Eng, Brexit sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đối với cán cân thương mại giữa Việt Nam và Anh, với mối liên kết từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), mà Anh là một phần khi đàm phán. Ảnh hưởng này có khả năng làm chậm lại, hoặc giảm tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của thương mại 2 nước, chứ không làm giảm giá trị tuyệt đối của xuất nhập khẩu hiện tại.
Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về tác động của Brexit lên hiệp định EVFTA?
Nếu Brexit xảy ra, đây sẽ là trường hợp đầu tiên trong lịch sử, hay nói cách khác, khó có thể nhận định tác động cụ thể của Brexit lên EVFTA bởi chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, về mặt tiến trình, hiệp định thương mại này cần phải được xét duyệt và phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu.
Nếu Vương Quốc Anh quyết định rời EU, rất có thể sẽ có 2 hiệp định riêng rẽ, giữa Việt Nam với Vương Quốc Anh và Việt Nam với EU (khi Anh không còn là thành viên). Mặc dù vậy, vì EVFTA là một hiệp định có chất lượng cao, được đàm phán liên tục trong gần 5 năm, nên theo nhận định của chúng tôi, khả năng đàm phán riêng lại từ đầu là khá thấp. Thay vào đó, việc đàm phán và ký kết lại có thể sẽ cần thêm thời gian để hoàn tất các thủ tục, không ảnh hưởng đến tổng thể chung.
Trên thực tế, trùng khớp với thời điểm những lo ngại về Brexit gia tăng, khối ngoại đang có 5 - 6 phiên bán ròng liên tiếp. Theo bà, liệu đây chỉ là tác động ngắn hạn lên thị trường chứng khoán Việt Nam hay không?
Thông tin khối ngoại bán ròng liên tục trong 5 - 6 phiên gần đây là khá nhiễu. Trong 3 phiên đầu tuần, khối ngoại đã quay trở lại trạng thái mua ròng. Việc khối ngoại bán ròng trong tuần trước, theo chúng tôi, chủ yếu là bởi ảnh hưởng từ hoạt động cơ cấu hàng quý của quỹ ETF, đặc biệt là của VanEck Vectors khi hạ tỷ trọng của Việt Nam trong danh mục.
Đồng Yên vẫn đang tiếp tục tăng giá. Theo bà, diễn biến này có tác động như thế nào tới các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có các khoản nợ ngoại tệ bằng đồng Yên lớn?
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, những đơn vị có tỷ trọng khoản nợ vay bằng đồng Yên lớn trong tổng số nợ, chẳng hạn CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), sẽ bị ảnh hưởng nhiều và thực tế đã bị ảnh hưởng trong quý I. Theo báo cáo của đội ngũ phân tích Maybank Kim Eng, đồng Yên có khả năng tăng giá tiếp 11,7% nếu Brexit xảy ra. Trong trường hợp đó, PPC sẽ lỗ tỷ giá khoảng 1.170 tỷ đồng trong năm nay.
Một trong những ngành thường có khoản nợ ngoại tệ lớn là ngành xi măng, tuy nhiên, các khoản vay này chủ yếu bằng EUR và USD nên diễn biến tăng giá của đồng Yên tác động không nhiều, còn các ngành khác nói chung chịu tác động không đáng kể.
Chúng tôi đánh giá VND có thể giảm giá 1,4% trong trường hợp Brexit, nhưng là một trong những đồng tiền ít bị ảnh hưởng nhất trong khu vực (bên cạnh đồng SGD của Singapore và đồng Rupiah của Indonesia).