Nghệ An: Sản phẩm cam Thanh Chương được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Nghệ An: Ban hành chính sách hỗ trợ tàu hàng container tại cảng Cửa Lò |
Ánh sáng học đường rất cần thiết đối với các thế hệ học sinh, nhất là học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Khác với người trưởng thành, mắt học sinh rất dễ bị tổn thương do tác động bởi các tác nhân môi trường. Môi trường chiếu sáng không tốt là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh mắt học đường như giảm thị lực và các tật khúc xạ.
Trước thực tế đó, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công Thương (Sở Công Thương Nghệ An) đã tiến hành triển khai hỗ trợ thay thế, lắp đặt mô hình phòng học đạt ánh sáng tiêu chuẩn và tiết kiệm năng lượng tại một số trường học trên địa bàn. Việc làm thiết thực này đã mang đến ánh sáng chuẩn, an toàn cho từng lớp học, góp phần bảo vệ thị lực, giảm vẹo cột sống, không gây sấp bóng, loáng quạt, không gây lóa trên bảng cho học sinh, nhất là các em ở bậc tiểu học và trung học cơ sở.
Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công Thương đã tiến hành thay thế, lắp đặt mô hình phòng học đạt ánh sáng tiêu chuẩn và tiết kiệm năng lượng. Trước khi lắp đặt, Trung tâm đã kiểm tra cường độ chiếu sáng, độ rọi, độ lóa của ánh sáng trong phòng học. Kiểm tra việc sử dụng thiết bị, cách lắp đặt, bố trí hệ thống chiếu sáng, màu sắc bàn ghế, sàn nhà, tường, cửa sổ phòng học và tỷ lệ học sinh mắc các tật về mắt trong nhà trường...
Mô hình ánh sáng tiêu chuẩn tại trường THCS Quỳnh Dị |
Kết quả khảo sát cho thấy, phòng học có kết cấu không gian diện tích, cửa sổ, màu sơn và chiếu sáng tự nhiên hầu hết đáp ứng quy định. Bên cạnh đó, còn có một số trường, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi do được xây dựng đã lâu nên xuống cấp, tường hoen ố, cây cối che phủ cửa sổ hạn chế ánh sáng tự nhiên.
Một số trường ở vùng nông thôn, miền núi chưa có phòng chức năng, sân chơi hẹp, cây cối che chắn ánh sáng của các phòng học. Có trường lại không đủ bóng mát, ánh sáng gây lóa. Hầu hết các phòng học đều lắp hệ thống chiếu sáng trên quạt trần, do đó về mùa hè khi sử dụng quạt trần, quạt quay sẽ chia cắt ánh sáng, gây mỏi mắt, hệ thống dây dẫn, bảng điện đã xuống cấp không bảo đảm an toàn. Đa số loại bóng đèn đang sử dụng tại các trường học hiện nay là đèn compact và đèn huỳnh quang.
Cá biệt có những trường đang sử dụng đèn sợi đốt, mỗi phòng học chỉ được bố trí từ 4 - 6 bóng, điều đó đã ảnh hưởng đến ánh sáng của học sinh. Ánh sáng yêu cầu của Bộ Y tế cho phòng học là không được nhỏ hơn 300 Lux. Kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ học sinh mắc các tật về mắt trung bình gia tăng theo các cấp học.
Qua khảo sát, Trung tâm đã tiến hành hỗ trợ thay thế, lắp đặt mỗi trường từ 2 - 3 phòng mô hình phòng học đạt ánh sáng tiêu chuẩn và tiết kiệm năng lượng tại thành phố Vinh và các huyện, thị xã trên địa bàn. Trên cơ sở thiết kế mô hình ánh sáng học đường, trung tâm phối hợp với nhà trường, đơn vị tư vấn thi công tổ chức thay thế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong lớp học không những đạt các tiêu chuẩn về ánh sáng học đường như quy định mà còn có ý nghĩa về việc chuyển đổi thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao.
Từ mô hình ánh sáng tiêu chuẩn theo quy định, độ rọi ánh sáng đồng đều, không gây chói lóa, không gây sấp bóng, loáng quạt, không gây lóa trên bảng, bảo vệ thị lực và góp phần giảm vẹo cột sống cho học sinh mà trung tâm đã xây dựng, các nhà trường tổ chức nhân rộng theo hình thức xã hội hóa. Các phòng học này sẽ được thiết kế gọn đẹp, độ rọi đảm bảo 300 Lux, sự phân bố ánh sáng đều trong phòng học, chỗ tối nhất không dưới 60% của 300 Lux. Sử dụng đèn LED có độ bền bằng hoặc cao hơn bóng đèn huỳnh quang T8.
Năm 2023, Trung tâm đã hỗ trợ thay thế, lắp đặt được 83 mô hình phòng học đạt ánh sáng tiêu chuẩn và tiết kiệm năng lượng tại thành phố Vinh và các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Dự kiến các mô hình sẽ được nhân rộng trong những năm tiếp theo để các em học sinh được tiếp nhận nguồn ánh sáng tiêu chuẩn, góp phần nâng cao hiệu quả học tập và tiết kiệm điện năng. |