Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành sắp diễn ra tại Hà Nội Thái Nguyên lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI |
Mô hình kinh doanh mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Chiều 15/10, tại Hà Nội, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ban Thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Thúc đẩy Kinh doanh bao trùm trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam và Chương trình ươm tạo tổ chức hỗ trợ và Doanh nghiệp kinh doanh bao trùm hướng đến công nhận quốc tế.
Mô hình kinh doanh bao trùm được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ảnh: NH |
Theo thông tin từ hội thảo, ASEAN định nghĩa "kinh doanh bao trùm" (Inclusive business - IB) là mô hình kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế cho những người có thu nhập thấp trên cơ sở khả thi về thương mại, ở quy mô lớn hoặc có khả năng mở rộng, huy động sự tham gia của người có thu nhập thấp trong chuỗi giá trị với vai trò là nhà cung cấp, phân phối, bán lẻ hoặc khách hàng.
Trong nhiều năm gần đây, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia đã không ngừng hợp tác để đưa ra những sáng kiến, giải pháp áp dụng mô hình kinh doanh bao trùm tại châu Á và ASEAN.
Theo ông Jason Lusk, đại diện Clickable Impact, mô hình kinh doanh bao trùm mang lại lợi ích ba bên cho Chính phủ, doanh nghiệp và chính những người có thu nhập thấp. Cụ thể, theo ông Jason Lusk, với người thu nhập thấp, mô hình kinh doanh bao trùm sẽ giúp họ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Với Chính phủ, mô hình kinh doanh bao trùm sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và với doanh nghiệp, mô hình này sẽ hỗ trợ tiếp cận thị trường mới, nâng cao giá trị thương hiệu.
“Như vậy, mô hình kinh doanh bao trùm sẽ tạo lên chiến thắng gấp 3 lần và tác động gấp 3 lần” - ông Jason Lusk khẳng định.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh - doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam đã xuất sắc dành giải thưởng quốc tế ASEAN IB Award chia sẻ kinh nghiệm về kinh doanh bao trùm. Theo đó, nhờ mô hình kinh doanh bao trùm và tạo ra tác động xã hội hoặc tạo ra giá trị chia sẻ với người thu nhập thấp, sản phẩm gốm sứ Quang Vinh hiện đã phục vụ cho hơn 90 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thị trường nước ngoài.
"Trên 90% sản phẩm của Công ty đã và đang bán trên thị trường của hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó thị trường chính là Nhật, Mỹ, Australia, Pháp, Đức, Đan Mạch, Anh, Canada, Israel…" - đại diện Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh thông tin.
Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh - doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam đã xuất sắc giành giải thưởng quốc tế về kinh doanh bao trùm. Ảnh: ST |
Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về mô hình kinh doanh bao trùm
Phát triển tại hội thảo, bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, do biến động địa kinh tế, chính trị thế giới và biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề thách thức trên toàn cầu và tại Việt Nam, điều này được thể hiện rất rõ qua tác động của cơn bão Yagi đối với các tỉnh miền Bắc Việt Nam diễn ra vào tháng 9/2024, theo đó phát triển bền vững đang là xu hướng tất yếu đối với các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp
Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tại Việt Nam, Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ tại COP 26 hướng đến netzero vào năm 2050. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và kinh doanh bao trùm chính là giải pháp để doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh, phát triền bên vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 167/QĐTTg ngày 08/02/2022 phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025". Chương trình này đặc biệt chú trọng đến các thực hành kinh doanh bao trùm, với mục tiêu đảm bảo toàn xã hội đều được hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các nhóm yếu thế vốn thường bị bỏ qua trong các mô hình kinh doanh truyền thống.
Mặc dù tác động của kinh doanh bao trùm đối với Chính phủ, doanh nghiệp và những người yếu thế rất tích cực, nhưng ông Jason Lusk cũng cho rằng, kinh doanh bao trùm là khái niệm mới, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hiểu hết tác động to lớn mà mô hình kinh doanh bao trùm mang lại. Theo đó, bên cạnh nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, ông Jason Lusk cho rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng cầu có những chính sách thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm, nhằm tạo ra đòn bẩy cho mô hình kinh doanh này.
Để nâng cao nhân thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về mô hình kinh doanh bao trùm, đồng thời ươm tạo cho các tổ chức hỗ trợ và doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh này hướng đến công nhận quốc tế, trong khuôn khổ Sáng kiến “Australia vì tương lai ASEAN”, Cục Phát triển Doanh nghiệp phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo Thúc đẩy Kinh doanh bao trùm nhằm chia sẻ 3 mục tiêu chính, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đễn kết quả và thu thập ý kiến đóng góp bản dự thảo báo cáo đánh giá thực trạng áp dụng mô hình kinh doanh bao trùm tại Việt Nam, với trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, giới thiệu dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Australia vì tương lai ASEAN về khung xây dựng chiến lược truyền thông toàn diện, nhằm thúc đẩy kinh doanh bao trùm tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.