CôngThương - Chỉ những món đơn giản như mì sợi, cũng khiến người ta nghĩ về đất nước Italia với món mì nổi tiếng. Thậm chí, chỉ cần nhắc đến món dưa muối là người ta nhớ ngay về xứ sở Hàn Quốc với món kim chi tuyệt vời bởi vị mặn và cay...
Vậy khi nhắc tới Việt Nam, người ta nghĩ đến thương hiệu nào? Liệu có phải là phở Hà Nội, bún bò Huế, nem cua… hay là cà phê Trung Nguyên, tranh thêu tay XQ Đà Lạt hoặc công nghệ FPT? Có thể điều đó sẽ xảy ra trong tương lai, còn hiện tại thì chưa. Cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta chưa có một mặt hàng nào nổi tiếng đến mức khi nhắc đến tên thương hiệu đó là người ta nghĩ đến đất nước và ngược lại.
Chợt nhớ có lần trò chuyện với một số doanh nhân trẻ Hải Phòng, tôi đặt câu hỏi:
- Có ai biết tên người Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel không?
Tất cả im lặng. Tôi hỏi tiếp:
- Trong số 18 nhà văn, nhà thơ và nhà khoa học Nhật đoạt giải Nobel, các bạn có biết tên một người nào không?
Tất cả vẫn im lặng. Tôi tiếp:
- Các bạn có biết ai là Thủ tướng Nhật Bản hiện nay không?
Có vài người bàn tán, đưa ra mấy cái tên nhưng tất cả đều sai. Tôi đặt câu hỏi cuối cùng:
- Ở đây có ai không biết các thương hiệu như Toyota, Toshiba, Sony, Honda, Suzuki?
Tất cả nhao nhao, chứng tỏ không ai… không biết!
Khi đó, tôi đã nói với mọi người rằng, các bạn thấy không, làm nên sự vẻ vang của nước Nhật hôm nay không phải chỉ là các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học hay chính khách. Người ta biết đến Nhật Bản bởi các thương hiệu nổi tiếng hay nói cách khác, cờ Nhật Bản tung bay khắp thế giới chính nhờ những thương hiệu nổi tiếng, mà người cắm ngọn cờ đó là các doanh nhân.
Mới đây, TS. Nguyễn Sĩ Dũng- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội- trong một cuộc hội thảo về thương hiệu Việt đã nói một ý rất hay, đại để là việc bảo vệ thương hiệu quốc gia cũng giống như việc bảo vệ chủ quyền của tổ quốc, bởi đó không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là hình ảnh của quốc gia trong đó.
Câu nói ấy hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, có lẽ nên mở rộng hơn: Xây dựng thương hiệu quốc gia chính là hình thức mở rộng “lãnh thổ mềm”.