Diễn đàn được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam cùng cộng đồng xã hội trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải các nguồn ô nhiễm ra môi trường, đồng thời giúp các doanh nghiệp nhận thức được những thách thức, yêu cầu về môi trường mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đưa ra đối với các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trịnh Xuân Quảng - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Thách thách chung đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh quá phụ thuộc vào nền kinh tế nâu, tức là sử dụng phần lớn nguyên nhiên liệu từ thiên nhiên; chưa đầu tư nguồn lực xứng đáng và lúng túng trong bảo vệ môi trường; chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường chưa hoàn thiện dẫn đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp chưa hiệu quả, tính rủi ro cao; chưa chọn lựa mô hình tăng trưởng có tính bền vững và thân thiện môi trường. Vì vậy, vấn đề đặt ra cốt lõi tại diễn đàn hôm nay là vừa quản lý tốt nhất, hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường bền vững; cơ chế khuyến khích để cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và là đối tượng trọng tâm của đời sống kinh tế - xã hội trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường”.
Nói về những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu khi Việt Nam tham gia các FTA, PGS.TS Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường - khẳng định, hiện chúng ta đã ký kết và đang đàm phán 5 FTA thế hệ mới gồm: WTO, CPTPP, EVFTA, VCUFTA và EFTA. Tuy nhiên có 2 hiệp định có tác động trực tiếp, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bởi các nội dung/chủ đề liên quan đến “môi trường” được đưa vào thành những cam kết cụ thể như: Hiệp định đa phương về môi trường; đa dạng sinh học và sinh vật ngoại lai; biến đổi khí hậu; bảo vệ tầng ô zôn; đánh bắt hải sản; hàng hóa và dịch vụ môi trường; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cơ chế tự nguyện bảo vệ môi trường; nhãn sinh thái… . Vì thế, nếu không tuân thủ hoặc không chấp nhận các yêu cầu đặt ra từ các FTA khi đó sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của chúng ta vi phạm sẽ bị kiện và đưa ra trọng tài quốc tế.
Một thách thức nữa là các FTA thế hệ mới cũng yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với các FTA truyền thống về sự minh bạch trong việc tuân thủ và thực hiện như: Vấn đề công bố thông tin công khai minh bạch về chất thải; giải pháp bảo vệ môi trường; cơ quan đầu mối chuyên trách/cá nhân chuyên trách về môi trường tại các tổ chức, doanh nghiệp…
Những yêu cầu trên đã đặt ra không ít thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp Việt Nam bởi hệ thống chính sách và pháp luật về môi trường của Việt Nam vẫn đang trong quá trình tiếp tục được hoàn thiện, những khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực môi trường còn chưa đầy đủ và thậm chí còn chồng chéo trong một số lĩnh vực cụ thể, gây khó khăn cho việc thực thi các cam kết quốc tế; năng lực kinh nghiệm của một số cán bộ trong việc xử lý các vấn đề thương mại quốc tế có liên quan đến môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu…
“Trước những thách thực trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng “Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề môi trường trong các FTA” để trình Chính phủ, trong đó đề xuất Bộ Công Thương thành lập cơ quan chuyên trách tiếp nhận các thông tin của các nước trong FTA phản hồi về các vấn đề môi trường của doanh nghiệp trong quá trình tham gia các hiệp định, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Lợi cho biết.
Phát triển bền vững là xu thế tất yếu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện nếu muốn tồn tại trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, các ý kiễn sẽ được tổng hợp và là cơ sở khoa học, pháp lý để giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách pháp luật trong giải quyết các vấn đề quản lý nhà nước về môi trường hiện nay.