Thanh tra học phí, công tác tuyển sinh của các trường đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa đổi quy định về thu, quản lý học phí |
Theo đó, chủ trương sẽ lùi thêm 1 năm việc thực hiện khung học phí như Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Nếu Chính phủ đồng ý phương án này, năm học tới, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục công lập vẫn được hưởng chính sách học phí như các năm học trước.
Dự kiến năm học tới, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục công lập vẫn được hưởng chính sách học phí như năm học trước. Ảnh minh họa |
Nghị định 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và Nghị định số sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Dưới đây là mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định 81 áp dụng từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026:
Đơn vị: nghìn đồng/sinh viên/tháng
Khối ngành | Năm học 2022 -2023 | Năm học 2023-2024 | Năm học 2024-2025 | Năm học 2025-2026 |
Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên | 1.250 | 1.410 | 1.590 | 1.790 |
Khối ngành II: Nghệ thuật | 1.200 | 1.350 | 1.520 | 1.710 |
Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật | 1.250 | 1.410 | 1.590 | 1.790 |
Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên | 1.350 | 1.520 | 1.710 | 1.930 |
Khối ngành V: Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y | 1.450 | 1.640 | 1.850 | 2.090 |
Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác | 1.850 | 2.090 | 2.360 | 2.660 |
Khối ngành VI.2: Y dược | 2.450 | 2.760 | 3.110 | 3.500 |
Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường | 1.200 | 1.500 | 1.690 | 1.910 |
Tuy nhiên từ đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165 yêu cầu mức học phí của cơ sở giáo dục công lập năm 2022-2023 tiếp tục được giữ ổn định so với năm học 2021-2022.
Đầu tháng 8/2023, Văn phòng Chính phủ cũng ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Nội dung sửa đổi theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024.
Sau 3 năm không tăng học phí, nhiều cơ sở giáo dục đại học phản ánh gặp nhiều khó khăn và đề nghị năm học 2023-2024 cần áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81 để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.
Tuy nhiên, nếu học phí năm học mới được áp dụng theo Nghị định 81 thì mức tăng khá cao so với năm học 2022-2023. Việc tăng học phí như vậy sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh và phản ứng của dư luận xã hội, nên đã thống nhất việc tăng học phí có thể chậm lại một năm so với lộ trình tăng học phí theo quy định tại Nghị định số 81.
Theo ông Ngô Văn Thịnh - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trong quá trình làm việc với Chính phủ, Bộ cũng đã thuyết minh, thuyết phục, bảo vệ quyền lợi giúp các trường đỡ khó khăn hơn nhưng quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ.