Mục tiêu Bogor: Sự kiên định rõ ràng của 21 nền kinh tế thành viên APEC
Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế APEC và Trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức quan sát viên của APEC, gồm: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF). Tham dự Hội nghị còn có Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Roberto Avezedo cũng tham dự Hội nghị với tư cách khách mời.
Tại Hội nghị AMM lần này, các đại biểu sẽ thảo luận về những hoạt động của APEC đã và đang thực hiện để hướng tới mục tiêu Bogor |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đề nghị Hội nghị tập trung vào ba mục tiêu: Thứ nhất, rà soát kết quả tiến trình hợp tác APEC trong năm nay; Thứ hai, hoàn tất các công tác chuẩn bị cho Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC sẽ diễn ra trong hai ngày tới; Thứ ba, quyết định hướng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực then chốt.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về những hoạt động của APEC đã và đang thực hiện để hướng tới mục tiêu Bogor. Ngoài ra, 21 nền kinh tế thành viên cũng sẽ bàn bạc về các bước tiếp theo để thúc đẩy quá trình hoàn thành mục tiêu này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các vị lãnh đạo đã dự tính và nhìn trước được triển vọng phát triển và bình ổn của khu vực qua các mục tiêu mở rộng và tự do hoá thương mại và đầu tư. Theo đó, các Bộ trưởng Kinh tế (BTKT) APEC mong muốn đạt được những mục tiêu Bogor đề ra qua các hoạt động thương mại cụ thể và cấp bách. Dưới sự chỉ đạo sát sao của các BTKT APEC, các quan chức APEC đã đạt được sự tiến triển rất đáng khen ngợi trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập hoá thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Những gì chúng ta đang thực hiện sẽ là thông điệp thể hiện sự kiên định rõ ràng của APEC trong việc tự do hoá và mở rộng kinh tế và đầu tư khu vực", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định |
“Trong viễn cảnh thay đổi nhanh chóng và bất ổn của kinh tế thế giới, những gì chúng ta đang thực hiện sẽ là thông điệp thể hiện sự kiên định rõ ràng của APEC trong việc tự do hoá và mở rộng kinh tế và đầu tư khu vực. Chúng tôi mong muốn có thể hoàn thành những gì còn thiếu sót và đề ra được mục tiêu cần thiết nhất cho quá trình trên”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ.
Bên cạnh hội nhập hoá kinh tế khu vực, hội nghị AMM sẽ đặt ra tiền đề cho các động lực phát triển mới và không bỏ qua yếu tố bền vững, sáng tạo cũng như sự phát triển toàn diện của khu vực.
Hội nghị AMM lần thứ 29 nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế |
Trong sáng nay, Hội nghị tiến hành hai phiên họp toàn thể về chủ đề: “Tình hình kinh tế thế giới và khu vực và vai trò lãnh đạo của APEC” và “Tạo động lực mới cho tăng trưởng”.
Vào buổi chiều, các Bộ trưởng sẽ họp phiên toàn thể thứ ba về chủ đề “Tạo động lực mới cho liên kết kinh tế khu vực”. Tại phiên họp, Tổng Giám đốc WTO sẽ có bài phát biểu về tình hình thương mại thế giới và công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11. Các tổ chức quan sát viên của APEC là ASEAN, PECC và PIF cũng sẽ phát biểu tại Hội nghị.
Chiều cùng ngày, Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp báo về những kết quả chính của AMM lần 29 tại Trung tâm báo chí quốc tế.