Mục tiêu xuất 7 triệu tấn gạo sẽ được giữ vững
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn
- Ông Bảy khuyến cáo các doanh nghiệp, do tình hình giá cả như hiện nay, chỉ khi có 100% hàng trong kho (quy định của Bộ Tài chính chỉ cần 50%) mới nên ký hợp đồng bán, đồng thời cũng không nên bán vội vã. Theo ông Bảy, gần đây giá lúa gạo trong nước tăng khá nhanh, hiện giá lúa đã lên mức 7.100 đồng/kg, giá gạo cũng đạt mức 9.450 đồng/kg do giá thị trường thế giới tăng, cộng thêm ảnh hưởng lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long và hiện vụ Hè Thu đã thu hoạch xong, một bộ phận người dân muốn bán với giá cao hơn, trong khi đó tại một số kho có động thái mua vào rồi bán ra tạo ra tình trạng đầu cơ. VFA xác định, giá gạo Việt Nam phải theo sát giá thị trường thế giới, nếu giá thế giới lên thì lúa gạo sẽ lên, tránh tình trạng sốt ảo bởi giá thế giới chưa lên mà giá trong nước đã biến động thì xuất khẩu không hiệu quả. Điều quan trọng là cần hài hòa giữa giá xuất khẩu và giá trong nước. Để ngăn chặn tình trạng sốt giá ảo, VFA coi khâu tuyên truyền là quyết định, thường xuyên thông tin cho nông dân và các doanh nghiệp giá gạo thị trường thế giới và trong nước. Ngoài ra, VFA có những giải pháp xử lý các doanh nghiệp đầu cơ gây rối thị trường, đưa ra những tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang trong người dân và doanh nghiệp. Về trách nhiệm của các doanh nghiệp với thị trường trong nước, VFA đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải tham gia bình ổn thị trường trong nước, khi xảy ra sốt giá gạo trên thị trường nội địa các doanh nghiệp phải tập trung mở bán hàng để bình ổn giá với giá giảm hơn 15%. Hiện tại, VFA chỉ đạo các doanh nghiệp mở cửa bán hàng bình thường, bảo đảm từ nay tới cuối năm không có tình trạng sốt giá.
Trước những lo ngại về thiệt hại do lũ lụt gây ra với vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Chủ tịch VFA khẳng định, thiệt hại chưa phải lớn lắm, ở 2 tỉnh đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp thiệt hại khoảng 6.000ha và lúc này các địa phương đang có giải pháp tích cực để bảo vệ diện tích lúa còn lại. Ở Kiên Giang có thể thiệt hại không đáng kể do diện tích 53.000ha lúa thu đông đang được thu hoạch tích cực trong khi phải tới tháng 10 lũ mới tràn tới vùng này. Tuy nhiên, VFA cũng lo ngại chi phí đầu vào cho lúa vụ thu đông tăng cao do nhân lực và vật lực được sử dụng nhiều để giữ gìn đê bao chống lũ. Đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa có điều chỉnh sản lượng của năm 2011 là 41,6 triệu tấn. Tính đến hết tháng Chín, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,878 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt 2,816 tỷ USD, tăng 9,13% về số lượng và 23,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010, giá bình quân xuất khẩu đạt 479 USD/tấn, tăng 56,48 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đăng ký hợp đồng đến cuối tháng 9 cũng đạt 6,855 triệu tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượng hợp đồng còn lại giao từ tháng 10/2011 là 977.000 tấn. Dự kiến trong quý 4 sẽ xuất khẩu 1,1-1,2 triệu tấn gạo./.
Vietnam+