Quảng Ninh hỗ trợ phát triển na Đông Triều bền vững |
Được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trái na ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cả về chất và lượng; tuy nhiên giá bán vẫn thấp và phụ thuộc vào thương lái, người dân nơi đây trăn trở tìm đầu ra ổn định cho loại nông sản chủ lực này.
Sản xuất theo VietGAP, bán giá thường
Gia đình anh Lê Văn Tráng, thôn Mai Long, xã An Sinh có trên 3ha đất trồng na, với kỹ thuật thụ phấn chủ động, gia đình anh cũng như nhiều nhà vườn khác hiện đang tấp nập thu hoạch vụ na trái mùa (na đông). Dự kiến vụ na đông năm nay, gia đình anh thu hoạch từ 3 - 5 tấn quả na.
“Na đông hiện trở thành vụ chính của người dân xã An Sinh bởi trái to hơn, chất lượng hơn, mẫu mã đẹp; đặc biệt dinh dưỡng cao hơn từ 20-30% so với na chính vụ” - anh Tráng cho hay.
Cũng theo anh Lê Văn Tráng, gia đình anh là 1 trong 14 thành viên Tổ hợp tác sản xuất na VietGAP số 8 của xã An Sinh. Các thành viên của tổ được Phòng Nông nghiệp thị xã Đông Triều hướng dẫn quy trình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP trong vòng 2 năm. Hiện các hộ gia đình đã tự thực hiện theo quy trình. Mỗi vườn na đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp mã QR và tem truy xuất nguồn gốc riêng để dán lên trái na khi đưa ra thị trường.
Na Đông Triều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn, chất lượng |
Cũng là thành viên của tổ VietGAP số 8, gia đình anh Vũ Xuân Đông, thôn Đìa Mối, xã An Sinh hiện có 2ha trong tổng số 4ha diện tích na của gia đình được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và có định hướng chuyển nốt 2ha diện tích trồng na còn lại. Tuy nhiên, anh Vũ Xuân Đông cũng rất băn khoăn khi cân nhắc bài toán chi phí đầu vào và giá bán đầu ra.
Trên thực tế, không chỉ gia đình anh Tráng, anh Đông mà nhiều nhà vườn tại xã An Sinh đang sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng bán sản phẩm theo giá thương lái. Lý giải về điều này, nhiều nhà vườn cho rằng, na bán theo tiêu chuẩn VietGAP cho dù giá cao hơn nhưng phải theo biểu rất nghiêm ngặt độ tương đồng phải đạt 95%, điều này rất khó. Số quả không đạt tiêu chuẩn theo biểu buộc phải bán cho thương lái với giá thấp, vì vậy về tổng thể giá bán không cao hơn mà công sức bỏ ra nhiều hơn.
Hơn nữa, đặc thù của trái na rất nhanh chín, trong khi công nghệ bảo quản và bao bì đóng gói chưa đáp ứng nên khó đảm bảo chất lượng sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng. “Dù đã có đơn vị đồng ý tiêu thụ na VietGAP với giá hợp lý cho bà con, nhưng cả hai bên chưa tìm được cách khắc phục điểm yếu về bảo quản và bao bì đóng gói nên chưa thể hợp tác” - anh Tráng cho hay.
Người dân mong mỏi có đầu ra ổn định
Qua trao đổi với phóng viên, người dân trồng na tại xã An Sinh đều mong muốn tìm được đầu ra ổn định cho trái na VietGAP với giá bán hợp lý. “Chúng tôi mong các cấp chính quyền tỉnh, thị xã hỗ trợ tổ chức cho nhà vườn tại địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, lan tỏa và khẳng định thương hiệu Na Đông Triều- sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể” - anh Tráng bày tỏ.
Xã An Sinh là “rốn” na của Đông Triều, chiếm 50% diện tích trồng na của thị xã với 450ha. Việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp trái na của xã đạt năng suất cao hơn từ 15 - 30% so với sản xuất theo phương thức truyền thống, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc thuận lợi, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Đáng nói, người dân xã An Sinh đã áp dụng phương pháp thụ phấn chủ động giúp tăng từ 1 vụ lên 2 vụ/năm cho na. Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8; thu hoạch na đông từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11. Ước tính 1 ha na đông sẽ cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả. Với na đông, quả to hơn vụ chính do được nuôi trực tiếp từ thân cây, tiếp nhận nhiều chất dinh dưỡng.
Na đông thơm, ngọt bảo quản được lâu hơn do thời điểm tháng 10, tháng 11 nhiệt độ ngoài trời thấp hơn cùng với việc áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất na theo hướng VietGAP nên chất lượng na được đảm bảo.
Đầu vào cho sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn hẳn so với phương thức sản xuất truyền thống tuy nhiên đầu ra chưa ổn định, giá không cao khiến người dân trồng na tại xã An Sinh lo lắng. |