Nông nghiệp là “trụ đỡ” kinh tế
Hàng năm tỉnh Bạc Liêu sản xuất trên 180.000 ha lúa, với tổng sản lượng gần 1,2 triệu tấn, đóng góp cho mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và phục vụ cho xuất khẩu. Tỉnh Bạc Liêu xác định và chỉ đạo triển khai thực hiện “Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo” là một trong 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đã được tỉnh quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư, tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị, liên kết bao tiêu sản phẩm; ưu tiên các nguồn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp.
Theo kế hoạc, Bạc Liêu sẽ sản xuất 28.000ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải trong năm năm 2025. Ảnh: Trọng Linh. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, trong tháng 10/2024, tổng sản lượng thủy sản đạt 59.581 tấn, đưa lũy kế năm nay lên 426.768 tấn, hoàn thành 77,1% kế hoạch và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 321.912 tấn, bao gồm 219.300 tấn tôm. Sản lượng khai thác đạt 104.856 tấn, hoàn thành 87,8% kế hoạch, tăng 1,15% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Bạc Liêu đang triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long, áp dụng các kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" trên diện tích 126.000 ha. Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa đã được mở rộng. Từ đầu năm, diện tích gieo trồng đạt 184.613 ha, thu hoạch 150.563 ha với sản lượng 998.832 tấn, đạt 86,85% kế hoạch và tăng 3,53% so với cùng kỳ.
Ngành chăn nuôi phát triển ổn định với định hướng chăn nuôi tập trung, kiểm soát dịch bệnh, trong khi lâm nghiệp triển khai các chương trình trồng cây xanh và phục hồi rừng ngập mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong xây dựng nông thôn mới, Bạc Liêu đã đạt nhiều tiến bộ với 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8 xã kiểu mẫu. Chương trình OCOP của tỉnh có thêm sản phẩm muối đạt tiêu chuẩn 5 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP lên 132, trong đó có 99 sản phẩm đạt 3 sao và 33 sản phẩm đạt 4 sao, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với định hướng bền vững
Bạc Liêu đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn. Địa phương này hướng đến phát triển bền vững bằng cách khai thác sâu tiềm năng nông nghiệp, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực và nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Để hỗ trợ sản xuất, cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh đang được xây dựng hoàn chỉnh, giúp cải thiện đời sống của người dân nông thôn và bảo vệ môi trường.
Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp nuôi cá đồng và trồng bông súng tại huyện Hồng Dân. Ảnh: Báo Bạc Liêu |
Bạc Liêu tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao với mũi nhọn là sản phẩm tôm, kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền quốc phòng. Cùng với đó, tỉnh cũng đang phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm và chế biến muối nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cho các thị trường khác nhau.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết: “Con tôm và hạt lúa của Bạc Liêu đã được nhiều người biết đến và tin dùng. Sắp tới, tỉnh sẽ tập trung chế biến, quảng bá và nâng cao giá trị hạt muối Bạc Liêu, để đây không chỉ là sản phẩm giúp diêm dân có thu nhập ổn định, mà còn tạo ra mặt hàng đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.”
Ngoài tôm và lúa, tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong chế biến nông sản và tăng cường liên kết chuỗi giá trị. Các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị cũng được triển khai nhằm cung cấp thực phẩm xanh, thúc đẩy du lịch và phát triển đô thị.
Bạc Liêu đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sạch, hữu cơ và thân thiện với môi trường. Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đang được triển khai, giúp nông dân tiếp cận các quy định giảm phát thải và tiến tới nền nông nghiệp tuần hoàn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo kế hoạch, trong năm 2025, Bạc Liêu sẽ triển khai 28.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, đến năm 2030 nâng lên khoảng 46.000ha. Địa bàn triển khai tại 5 huyện, thị trọng điểm là Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai.
Bạc Liêu cũng chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ đồng ruộng đến bàn ăn, với sự tham gia của "4 nhà" gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, đã giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho nông nghiệp Bạc Liêu phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Dù đạt được nhiều thành tựu, Bạc Liêu vẫn đối mặt với các thách thức như Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả thị trường bất ổn đã gây ra nhiều khó khăn cho người nông dân. Sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, hiệu quả thấp. Người nông dân thiếu vốn, công nghệ và kiến thức, dẫn đến thu nhập bấp bênh và đời sống khó khăn. Các vấn đề môi trường như ô nhiễm nguồn nước, đất đai cũng ngày càng nghiêm trọng.
Để khắc phục, tỉnh đã tăng cường công tác dự báo và quản lý rủi ro, đồng thời áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự liên kết giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân được kỳ vọng sẽ giúp Bạc Liêu vượt qua các khó khăn và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Bạc Liêu cũng cần chú trọng đến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như tôm, lúa thơm và muối. Đầu tư vào bao bì, nhãn mác và cải tiến quy trình sản xuất sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường khó tính, từ đó mở rộng kênh phân phối hiện đại và thu hút nhiều khách hàng.
Với định hướng nông nghiệp xanh, Bạc Liêu không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích bền vững cho cộng đồng. Việc kiên trì thực hiện các chính sách và giải pháp hiệu quả sẽ giúp Bạc Liêu vươn xa hơn trong hành trình phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thời đại mới.