Công đoàn Công Thương Việt Nam: Đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới Ngày mai (12/1), Công đoàn Công Thương Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân đã tới dự Hội nghị.
Nỗ lực vì đoàn viên và người lao động
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Văn Bản - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam - nhấn mạnh: Năm 2023 tuy còn nhiều khó khăn song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất sát sao của Tổng Liên đoàn Lao đông Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, sự phối hợp, tạo điều kiện của chuyên môn, hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực.
Ông Phan Văn Bản - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Trong năm qua, phát huy truyền thống và phẩm chất vốn có, với tinh thần năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động ngành công thương đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn. Cùng với đó, triển khai hiệu quả các mặt hoạt động, chủ động, kịp thời, thích ứng với tình hình thực tiễn, đạt những kết quả to lớn, toàn diện trên các mặt hoạt động, hoàn thành và hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu đề ra.
Cùng với cả nước, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực.
Trong đó nổi bật là: Tập trung chỉ đạo công tác đại hội công đoàn các cấp, tổ chức thành công Đại hội IV Công đoàn Công Thương Việt Nam; làm tốt công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thông qua Chương trình “Tết Sum vầy”, tổ chức thăm hỏi, tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, các hoạt động trong Tháng Công nhân, Tháng đền ơn đáp nghĩa; chăm lo, hỗ trợ đoàn viên...; tuyên truyền sâu rộng nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của công đoàn các cấp tới đông đảo đoàn viên, người lao động.
Các phong trào thi đua được triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo đoàn viên, công nhân viên chức lao động tích cực hưởng ứng. Báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam cho thấy, kết quả từ các phong trào thi đua năm 2023 có 191.311 sáng kiến, mang lại hiệu quả 50,6 tỷ đồng, đã có 15 công trình sản phẩm được công nhận làm lợi 15 tỷ đồng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 17 thi đua xuất sắc và 6 Bằng khen tập thể và 80 cá nhân toàn diện; Công đoàn Công Thương Việt Nam tặng 95 Cờ thi đua xuất sắc cho tập thể và tặng Bằng khen cho 132 tập thể và 601 cho cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh năm 2022.
Bên cạnh đó, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở được chú trọng; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh; công tác nữ công được quan tâm đẩy mạnh; chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn được nâng lên; công tác tài chính, tài sản công đoàn triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Năm 2023, các cấp công đoàn ngành Công Thương đã triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách về an sinh xã hội; giám sát hoặc tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, tiền thưởng...; việc làm của đoàn viên, người lao động trong ngành được duy trì, thu nhập ổn định, điều kiện lao động, chế độ chính sách cơ bản được đảm bảo.
Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động khối doanh nghiệp trong ngành ước đạt từ 6,5 - 10,5 triệu đồng/người/tháng. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã giảm, tuy nhiên vẫn còn ở một số đơn vị khó khăn như Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam, Công đoàn Tổng công ty Xây dựng Điện. Đáng chú ý, trong năm 2023, toàn ngành không xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể.
Năm 2024 với nhiệm vụ khá nặng nề
Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, Đại hội IV Công đoàn Công Thương Việt Nam, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; năm thứ ba triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024)… Ban Thường vụ Công đoàn Công Thương Việt Nam xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.
Theo đó, Công đoàn Công Thương Việt Nam tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn trong ngành triển khai học tập và quán triệt Nghị quyết Đại hội đúng kế hoạch. Tập trung hoạt động theo chủ đề năm 2024, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao Công đoàn Công Thương Việt Nam và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IV Công đoàn Công Thương Việt Nam.
Trong đó, chú trọng thực hiện tốt công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động; nắm bắt tình hình lao động, việc làm tại các công đoàn cơ sở thuộc khối doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên và người lao động”…
Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người lao động; tăng cường phối hợp kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, cập nhật những thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, lao động và đẩy mạnh tham gia công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Tiếp tục phát động các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (1929-2024). Tập trung triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trong công nhân viên chức lao động.
Triển khai chương trình nhà ở “Mái ấm Công đoàn”; đẩy mạnh chương trình nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động, các thỏa thuận hợp tác về cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên, người lao động với chính sách ưu đãi.
Nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, đẩy mạnh việc xây dựng công đoàn cơ sở, nhất là trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, vận động kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác với những đối tác truyền thống, quan trọng, thúc đẩy các quan hệ láng giềng, khu vực, đề xuất những nội dung hợp tác mới, vận động sự hỗ trợ về nhân lực, tài lực... cũng như kinh nghiệm thực tế cho công tác đào tạo, phục vụ mục tiêu chung của Công đoàn Công Thương Việt Nam và Công đoàn Việt Nam.
Nâng cao hiệu quả của thông tin đối ngoại, đẩy mạnh công tác nghiên cứu quốc tế về hoạt động công đoàn nói chung và kinh nghiệm hoạt động công đoàn.
Công đoàn Công Thương Việt Nam đang trực tiếp quản lý và chỉ đạo 15 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 502 công đoàn cơ sở; trong đó 338 công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 124 công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn ngành, với 139.481 đoàn viên trên tổng số 148.110 lao động; trong đó lao động nữ là 43.809, chiếm 29,6%. |