Bão YAGI tăng 6 cấp khi vào biển Đông, có khả năng nhấn chìm tàu trọng tải lớn Bão Yagi sắp về Việt Nam để lại gì ở Philippines? |
Nam Định hiện có hơn 535km đê, trong đó đê biển có 75,161km tuyến 1; 38,692km đê biển tuyến 2 và đê bao. Lãnh đạo UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực địa tại các trọng điểm xung yếu trên tuyến đê biển, gồm: Cống Thanh Niên, xã Bạch Long (Giao Thủy); kè biển xã Hải Đông, kè Hải Thịnh 3, kè Cồn Tròn, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Sau khi kiểm tra, đánh giá, lãnh đạo UBND tỉnh Trần Anh Dũng yêu cầu, UBND các huyện, thành phố chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, quyết tâm không để bị động, bất ngờ.
lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định kiểm tra kè Hải Đông (Hải Hậu). Ảnh: Văn Đại |
Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão Yagi, mưa, lũ các sở, ngành chức năng và các địa phương cần chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ; tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết, không đi vào, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Tại các khu neo đậu tàu, thuyền cần thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền. Các địa phương ven biển tiến hành rà soát, chủ động kế hoạch, sẵn sàng vận hành các phương án sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bến phà, đò ngang; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn…
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 23/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 năm 2024. Công điện giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị khẩn trương thực hiện các hoạt động nhằm chủ động đối phó và giảm thiểu tác hại của bão Yagi.
Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn, có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Theo dõi, bám sát thông tin, đường đi của bão, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thời gian cấm biển.
Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp & PTNT điện thoại 02283.649.217, fax 02283. 646.779, email: [email protected]).