Thiệt hại ban đầu do bão số 3 gây ra tại Nam ĐịnhNam Định không có thiệt hại về người do bão số 3Cập nhật tình hình ngập, úng tại Nam Định |
Sáng ngày 11/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại huyện Trực Ninh và thành phố Nam Định.
Tại huyện Trực Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đến kiểm tra các trọng điểm đê bối Phương Định (xã Phương Định) và cống Mỏ Cò. Theo báo cáo nhanh của xã Phương Định, do mưa lớn, kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về, mực nước trên sông Ninh Cơ thuộc địa bàn xã Phương Định dâng cao, tuyến đê bối xã Phương Định có mặt bối thấp nên nhiều đoạn nước đã tràn qua mặt bối, đe dọa trực tiếp đến an toàn của 459 hộ dân với 1.455 nhân khẩu.
Lực lượng tại chỗ huyện Trực Ninh đắp bao cát chống tràn bảo vệ bối Phương Định, tỉnh Nam Định. Ảnh: Báo Nam Định |
Hiện tại, nhiều điểm bối đã được gia cố chống tràn bằng bao tải cát và di chuyển người dân sống ngoài bối đến nơi an toàn. Ngoài vật tư, nhân lực của xã Phương Định ứng cứu chống tràn mặt bối, thị trấn Cổ Lễ cũng huy động nhân lực, vật tư, phương tiện xuống vùng bối xã Phương Định để ứng cứu.
Cống Mỏ Cò trên đê hữu Ninh Cơ thuộc địa bàn xã Liêm Hải có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều tiết nước từ phía nội đồng và phía ngoài sông Ninh Cơ. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho công trình, huyện Trực Ninh đã huy động các nguồn lực, thiết bị đắp đập chống tràn, sẵn sàng các phương án phòng, chống thiên tai...
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã đi kiểm tra cống Vạn Diệp, xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Trước tình hình mực nước lũ trên sông Đào dâng cao, có nguy cơ gây thiệt hại, xã Nam Phong đã tổ chức các lực lượng tại chỗ tập trung đắp đập chống tràn, gia cố các điểm xung yếu và sơ tán nhân dân trong vùng nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn.
Tại các điểm kiểm tra, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong một vài ngày tới, tình hình mưa, lũ còn diễn biến phức tạp, bất thường; vì thế yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các địa phương cần tập trung tối đa nhân lực, thiết bị để sẵn sàng phương án ứng cứu với các tình huống ngay giờ đầu.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để trong tình huống khẩn cấp tổ chức di dời 100% người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kể cả cưỡng chế di dời nếu cần thiết; chuẩn bị đầy đủ chỗ ở, lương thực, thực phẩm cho người dân tại nơi tránh trú, thường xuyên cử người thường trực, chuẩn bị các loại vật tư sẵn sàng phòng, chống, đảm bảo an toàn tuyến đê... Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và tình hình thực tế tại các điểm xung yếu; phát hiện các tình huống phát sinh, kịp thời báo cáo tỉnh để điều động nhân lực, thiết bị ứng phó, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của nhân dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.