Nam Định thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với UBND tỉnh Nam Định |
Kết quả ấn tượng
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đỗ Ngọc Hoà - Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định cho biết: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các Chương trình MTQG, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp tỉnh, cấp huyện, Ban phát triển thôn/xóm và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tuy các chương trình được tách ra theo từng Ban chỉ đạo nhưng công tác chỉ đạo điều hành vẫn thường xuyên, thông suốt, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao kết quả nam định đạt được trong triển khai các Chương trình MTQG |
Trong đó, đối với Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh hiện có 99% (207/209 xã) số xã đạt tiêu chuẩn NTM; 5/10 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó Hải Hậu là 1 trong 4 huyện được chọn xây dựng thí điểm huyện NTM kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp. Dự kiến cuối năm 2018, các xã còn lại sẽ hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn NTM; đến giữa năm 2019 số huyện còn lại cũng hoàn thành xây dựng NTM. Với kết quả trên, Nam Định nhiều khả năng trở thành một trong những tỉnh đạt tiêu chuẩn NTM đầu tiên của cả nước.
Riêng về 2 tiêu chí điện nông thôn (tiêu chí số 4) và hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí số 7) hiện 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 2 tiêu chí này.
Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, từ năm 2015-2017 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 5,7% xuống còn 2,91%, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ còn 2,41%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm sẽ giảm 1-1,5% tỷ lệ hộ nghèo, đạt mục tiêu chương trình đề ra.
Đi đôi với kết quả trên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện, chính sách giảm nghèo đã được triển khai thực hiện đến tận cơ sở, hộ gia đình, mở ra cơ hội có việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Trước những kết quả Nam Định đã đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, đây là những con số ấn tượng, tỉnh cũng đồng thời trở thành điểm sáng trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG của cả nước.
Phát huy hiệu quả đạt được
Được biết, để khuyến khích địa phương làm NTM, Nam Định đã linh hoạt tạo nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương, như: Điều tiết 80% tiền đấu giá đất cho các xã; điều tiết tiền đấu giá đất tại các địa phương có điều kiện tốt sang các địa phương khó khăn. Tính đến nay, nguồn kinh phí cho thực hiện NTM tại các xã đạt gần 90 tỷ đồng/xã, trong đó nguồn xã hội hoá đạt 35%.
Ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Nam Định phấn đấu đến giữa năm 2019 trở thành tỉnh hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới |
Trao đổi với đoàn công tác, ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam định - cho hay: Môi trường là tiêu chí xây dựng NTM rất khó, tỉnh hiện có hơn 100 lò đốt rác thải, vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng/mỗi lò, 100% xã có khu xử lý rác thải và có tổ đội đi thu gom rác thải. Nam Định có môi trường nông thôn tương đối tốt nhưng áp theo đúng tiêu chí môi trường NTM có xã vẫn chưa đạt chuẩn.
Cùng với đó, tiêu chí xã NTM phải có trạm y tế, trên thực tế lượng người dân đến trạm y tế khám bệnh là rất ít, đầu tư lãng phí, hiệu quả không cao. Chợ nông thôn có đặc điểm họp theo phiên, có những địa phương không đủ diện tích mở rộng quy mô chợ theo quy định. Do đó, với 2 tiêu chí này đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình MTQG có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với địa phương; có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí NTM nâng cao giúp địa phương có định hướng và kế hoạch bố trí nguồn lực thực hiện, đồng thời phát huy tốt các tiêu chí NTM của tỉnh đã đạt được.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng nhấn mạnh: Mặc dù hầu hết số xã trong toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng NTM nhưng chương trình sẽ vẫn tiếp tục mà không có điểm kết thúc và tập trung vào 5 trụ cột: Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội - dân sinh; phát triển sản xuất - kinh tế; bảo đảm môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc - tình làng nghĩa xóm; hệ thống chính trị, chính quyền vững mạnh, trong sạch để hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu.
Theo đó, tỉnh cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình NTM. Đối với những xã đã được công nhận, địa phương cần xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đồng thời khẩn trương thẩm định hồ sơ để đề nghị xét công nhận các xã còn lại đạt chuẩn NTM. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò chủ động của Sở Công Thương và ngành điện các địa phương đối với thực hiện chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp nhân dân thấy rõ trách nhiệm và lợi ích của chương trình NTM.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn. Thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, đặc biệt là việc rà soát, xác định công nhận hộ nghèo định kỳ hàng năm để xác định đúng đối tượng, tránh bị lợi dụng trục lợi chính sách, làm sai lệch chính sách của Nhà nước.
Sau đây là một số hình ảnh đoàn công tác của Bộ Công Thương thăm cơ sở hạ tầng tại xã NTM Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định: