Nghị quyết 22-NQ/TW: Bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Việt Nam Nâng cao chất lượng cán bộ ngành Công Thương cho hội nhập quốc tế |
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 360/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.
Theo Thông báo số 360, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ công tác liên ngành, hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành nhằm huy động sự tham gia đầy đủ của các bộ, ngành phụ trách các lĩnh vực thuộc khối khoa giáo - văn xã (như Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao…) bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành được liên tục, xuyên suốt; hoàn thành trước ngày 8/9/2023.
Đồng thời, Ban chỉ đạo liên ngành phối hợp chặt chẽ với các ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng và Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế và các cơ quan liên quan tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TƯ ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng đưa ra các kết quả, bài học kinh nghiệm, xác định các vấn đề còn tồn tại, cản trở quá trình hội nhập để đưa ra biện pháp phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trình độ của cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý về hội nhập quốc tế; có chiến lược đào tạo cán bộ hiệu quả để vận động, cử cán bộ tham gia vào các tổ chức quốc tế.
Đồng thời, Ban chỉ đạo liên ngành phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc nghiên cứu, phân tích bối cảnh tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, xác định các vấn đề xuyên suốt, xu thế quốc tế như: Chuyển đổi xanh, môi trường, ứng phó với dịch bệnh, an ninh mạng, các vấn đề có tính toàn cầu, xuyên biên giới...
Trên cơ sở đó, từng bộ, ngành, cơ quan xác định định hướng và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, những vấn đề cần ưu tiên cho hội nhập quốc tế ở giai đoạn tiếp theo; đề ra các mục tiêu, tiêu chí, kế hoạch cụ thể thúc đẩy sự tham gia chủ động, hiệu quả hơn; rà soát các điều ước đã ký kết và thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết quốc tế Việt Nam là thành viên.
Phó Thủ tướng lưu ý báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành đối với các vấn đề trọng tâm, cần có sự tham gia của các bộ, ngành khác để kịp thời chỉ đạo, thống nhất đối với các vấn đề liên ngành hoặc các vấn đề có ý kiến khác nhau (như chính sách xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có 26 chỉ tiêu liên quan đến 8 bộ, ngành; Chương trình quốc gia về văn hóa chấn hưng đất nước; Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững…).
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện báo cáo định kỳ kết quả triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng và Chính phủ về hội nhập quốc tế nói chung và các chương trình, chiến lược về hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực khoa giáo - văn xã...
Ban chỉ đạo liên ngành và các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, đào tạo và tập huấn về các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tập trung đi sâu vào lĩnh vực cụ thể, phù hợp với đặc thù và thế mạnh của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.