CôngThương - Khắc phục tình trạng giá cà phê xuất khẩu thấp
Theo ông Nguyễn Đình Bích - chuyên gia kinh tế - Viện Nghiên cứu thị trường Bộ Thương mại, từ các số liệu thống kê quốc tế và của Việt Nam, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, chúng ta đã xuất khẩu một lượng lớn cà phê với giá quá thấp.
Cụ thể, tính chung trong 10 năm gần đây, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 51,5% giá bình quân của thế giới. Trong khi đó, nếu như “người khổng lồ” Brazil chủ yếu với cà phê Arabica rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới cho nên giá xuất khẩu bằng 95,3% giá bình quân của thế giới, còn giá cà phê arabica có lẽ là hảo hạng của Colombia cao ngất ngưởng tới 124%, thì Indonesia cũng với cà phê robusta gần giống như Việt Nam nhưng vẫn đạt 72,4%.
Trong báo cáo mới đây nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) đã chỉ ra 75% cà phê Việt Nam không đạt chuẩn CQP (Coffee Quanlity-Improbement Program).
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kỹ năng chế biến, phát triển cà phê chưa theo quy hoạch, thiếu khả năng tiếp cận kiến thức kỹ thuật, thị trường và tài chính dẫn đến khả năng cạnh tranh của ngành bị hạn chế.
Từ những thực tế đó, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, giá xuất khẩu quá thấp chính là bất cập lớn nhất của ngành cà phê nước ta từ nhiều thập kỷ qua. Trong đó, nếu như các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn luôn phải mua cà phê của nông dân với giá thấp hơn giá xuất khẩu để có lãi, thì thực tế này đồng nghĩa với việc nông dân trồng cà phê quá thiệt thòi và lợi ích của quốc gia cũng không được bảo đảm.
Cần có chiến lược xuất khẩu dài hạn
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), xuất khẩu cà phê trong tháng 4 ước đạt 155.000 tấn với trị giá 325 triệu USD, nâng tổng lượng cà phê xuất khẩu 4 tháng lên 675.000 tấn, đạt giá trị 1,4 tỉ USD, tăng 45,4% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam hiện là đối tác xuất khẩu cà phê của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với một số nước có kim ngạch nhập khẩu cà phê Việt Nam tăng hơn 100%. Tính riêng tháng 3/2011 so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Ba Lan tăng 828%, Mexico tăng 368% và Canada 355%. Mới đây, Thụy Sĩ công bố nhu cầu nhập khẩu 800.000 - 900.000 bao (60 kg/bao) cà phê trong thời gian tới, đa phần là cà phê robusta. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất cà phê robusta đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Để tận dụng được cơ hội xuất khẩu cà phê, vấn đề là ngành cà phê phải có chiến lược phát triển dài hạn.
Bộ NN PTNT nhận định hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ngoài việc bị ép giá khi xuất khẩu còn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài do thiếu vốn thu mua cà phê nguyên liệu. Bên cạnh đó còn là nhiều thách thức như: khí hậu biến đổi ảnh hưởng đến mùa vụ, thị trường và giá cả biến động ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cà phê.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cũng cho rằng, tạm trữ phải là một chiến lược chủ động điều hành linh hoạt, chứ không phải là một giải pháp tình thế. Bởi thực tế, Quyết định 481/QĐ-TTg ngày 13/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tạm trữ cà phê đã chứng minh điều này: ngay sau khi có quyết định tạm trữ, giá cà phê xuất khẩu đã tăng thêm trên 200 USD/tấn và giá cà phê nhân trong nước cũng tăng từ 23 triệu đồng/tấn lên gần 30 triệu đồng/tấn.