Công tác kiểm toán góp phần hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong đẩy mạnh giải ngân đầu tư công |
Vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán
Theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, đơn vị được kiểm toán bắt buộc phải thực hiện những kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Tại Phiên giải trình về tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, diễn ra đầu tháng 9/2023, cho thấy, số kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng, tích lũy nhiều năm chưa thực hiện đến ngày 31/3/2023 còn rất lớn và tồn tại ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ, qua rà soát, phân tích đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến ngày 31/3/2023 là 108.180,2 tỷ đồng; trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 45.552 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là các khoản kiến nghị hoàn thiện thủ tục để thanh quyết toán theo quy định.
Qua thực tế, Kiểm toán Nhà nước phân ra 4 nhóm nguyên nhân và trách nhiệm chưa thực hiện kiến nghị. Trong đó, nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán là 63.291,2 tỷ đồng, chiếm 58,5%; nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước chiếm 2,28%; nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 chiếm 14,3 %; nhóm nguyên nhân khác chiếm 24,9%.
Kiểm toán Nhà nước phân ra 4 nhóm nguyên nhân, trách nhiệm chưa thực hiện kiến nghị. Ảnh minh họa |
Đối với nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách, đến ngày 31/3/2023, tổng số các kiến nghị chưa được thực hiện là 433. Nguyên nhân đối với nhóm kiến nghị này chủ yếu do quá trình sửa đổi, thay thế hoặc bổ sung liên quan đến cơ chế, chính sách thường mất nhiều thời gian hoặc phải đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phải chờ để sửa đổi đồng bộ cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Bên cạnh đó, một số kiến nghị do đơn vị chưa báo cáo tình hình thực hiện nên Kiểm toán nhà nước chưa nắm bắt được kết quả thực hiện. Về kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm chưa được thực hiện là 746 kiến nghị.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề này cần được tập trung đánh giá, nhìn nhận khách quan, đúng đắn để có giải pháp khắc phục, đảm bảo kỷ cương pháp luật.
Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, để nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả của việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thì không chỉ quan tâm về mặt luật pháp mà cần có những biện pháp mang tính tổng thể, với sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của nhiều cơ quan, đơn vị.
Theo đó, giải pháp quan trọng hàng đầu được đặt ra là Kiểm toán nhà nước cần không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Các kết luận, kiến nghị kiểm toán đưa ra phải trên cơ sở bằng chứng, đảm bảo quy định pháp lý chặt chẽ; phải đảm bảo tính khả thi.
Đặc biệt, cùng với việc tăng cường chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, cơ quan kiểm toán cần đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện, hướng dẫn đơn vị được kiểm toán trong thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Có diễn giả đặt vấn đề: Liên quan đến tài chính, có những nội dung rất phức tạp khiến đơn vị được kiểm toán chưa xử lý được một cách đầy đủ, đúng đắn, trọn vẹn kiến nghị kiểm toán. Trong trường hợp đó, rất cần ý kiến của nhà chuyên môn, chuyên gia và sự hỗ trợ của Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, bộ, ngành khác.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán”, do Báo Kiểm toán vừa tổ chức, các diễn giả cho rằng, để việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán có sự chuyển biến đột phá, cần phải có sự phối hợp cả hệ thống chính trị.
Bàn về vấn đề nay, theo PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam: Không chỉ Quốc hội, Chính phủ, Kiểm toán nhà nước mà các bộ, cơ quan, ban, ngành, các địa phương, các cấp chính quyền, cấp ủy đảng phải cùng vào cuộc đôn đốc, nhắc nhở, tạo điều kiện để các kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện.
Đồng tình quan điểm này, ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước - nhấn mạnh: Ngoài trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước phải có sự vào cuộc của các đơn vị có liên quan, từ hệ thống cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cũng như cơ quan, đơn vị chủ quản, các bộ quản lý ngành. Đặc biệt, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đôn đốc, giải quyết những vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Song song với đó, mở rộng phạm vi công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán nhằm tạo áp lực với đối tượng được kiểm toán cũng như đơn vị kiểm toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Kiểm toán nhà nước với các bộ, ngành, địa phương trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kịp thời, đầy đủ kiến nghị kiểm toán…; kiểm toán nhà nước cũng cần sử dụng hiệu quả các quyền năng của mình theo quy định của pháp luật.
Kiểm toán Nhà nước đang nghiên cứu, rà soát lại, hoàn thiện quy định pháp lý về Kiểm toán nhà nước để đảm bảo cho hoạt động kiểm toán nhà nước hiệu lực và hiệu quả hơn nữa. Trên cơ sở Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực, Kiểm toán nhà nước cũng đã ban hành một số văn bản quy định liên quan và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Pháp lệnh này trong thời gian tới… |