Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Katsuhiko Kokubu của Trường đại học Kobe cho biết, muốn nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả cần quản lý chi phí dòng chảy nguyên liệu (MFCA). Nếu làm tốt việc quản lý MFCA thì sẽ giảm chi phí thông qua việc giảm số lượng nguyên liệu tiêu thụ, giảm chất thải và giảm đi chi phí môi trường. Theo giáo sư, trong nền kinh tế hiện đại toàn cầu, chi phí môi trường bắt buộc doanh nghiệp phải đưa vào giá thành sản xuất.
Nếu doanh nghiệp liên kết thành chuỗi sản xuất và cùng quản lý theo MFCA thì hiệu quả sẽ càng cao hơn. Công ty A sản xuất một sản phẩm cho đầu vào của công ty B; nếu sản phẩm công ty A phù hợp với kích thước, trình độ công nghệ thiết bị… của công ty B, thì trong quá trình sản xuất công ty B sẽ tiêu tốn rất ít vật tư thừa và sản phẩm lỗi. Điều đó sẽ giảm đi chi phí xử lý vật tư thừa, chi phí môi trường và giá thành sản phẩm thấp. Giáo sư Katsuhiko Kokubu lưu ý, các doanh nghiệp phải tự quyết định chọn đối tác để liên kết chuỗi và thông tin phải được bảo mật, cùng chia sẻ lợi ích tài chính. MFCA là một công cụ rất quan trọng trong quản lý theo hướng môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu.
Tại hội thảo, ban tổ chức đã thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp về Chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020 theo Quyết định 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình sau 5 năm triển khai đã nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam và khẳng định tầm quan trọng của năng suất và chất lượng trong phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Giám đốc Trung tâm SMEDEC 2 cho biết, SMEDEC 2 được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng giao chủ trì triển khai Chương trình năng suất quốc gia tại các tỉnh phía Nam. Có thể nói, thông qua chương trình đã đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy đổi mới nhận thức quản trị của cộng đồng doanh nghiệp. Công cụ MFCA cũng đã được áp dụng và sẽ tiếp tục tư vấn hiệu quả hơn cho doanh nghiệp dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản.